Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM là dự án trọng điểm, có tổng chiều dài giai đoạn 1 gần 76km, đi qua Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng hơn 75.000 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM được chia thành 8 dự án thành phần. Trong đó, Long An được giao làm chủ đầu tư 2 dự án thành phần. Cụ thể, tỉnh Long An sẽ triển khai dự án thành phần 7 là dự án thi công xây dựng có tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng; dự án thành phần 8 là dự án giải phóng mặt bằng có tổng vốn gần 1.200 tỷ đồng. Dự án có chiều dài 6,84 km, điểm đầu tại ranh TP.HCM – Long An.
Thông tin tại Lễ khởi công ngày 30/6, ông Đặng Hoàng Tuấn Giám đốc Sở GTVT Long An cho hay, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án thành phần 7 cho biết, đến nay đơn vị đã hoàn thành các thủ tục đầu tư: phê duyệt dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán; lựa chọn và ký kết hợp đồng với các nhà thầu thi công.
Chủ đầu tư đã bàn giao tim, mốc và mặt bằng (đạt gần 97% diện tích) cho các nhà thầu thi công ngay sau lễ động thổ. Đồng thời, chủ đầu tư đã cam kết sẽ cùng các đơn vị thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát làm hết sức mình để đảm bảo dự án được thực hiện với chất lượng tốt nhất, khối lượng, chi phí hợp lý và chậm nhất đến tháng 10/2025 cơ bản thông xe kỹ thuật toàn tuyến và hoàn thành đưa vào sử dụng toàn dự án trong năm 2026.
Theo thông tin được công bố, hiện có 3 gói thầu đã được triển khai gồm: Gói XL1 do Liên danh Công ty TNHH Sản xuất xây dựng thương mại Đại Á Châu (Công ty Đại Á Châu), Công ty CP Xây lắp thương mại Delta - Công ty CP Đầu tư Xây dựng thương mại Tân Hoàng Long trúng thi công với giá trúng thầu hơn 536 tỷ đồng, tỉ lệ tiết kiệm là 0,32%.
Theo tìm hiểu, Công ty Đại Á Châu (Địa chỉ 496/15/3 Dương Quảng Hàm, phường 6, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) là đơn vị chuyên hoạt động đấu thầu ở tỉnh Long An.
Từ tháng 7/2016 đến tháng 6/2023, Công ty Đại Á Châu đã trúng liên tiếp 108 gói thầu đầu tư công với tổng giá trị gần 4.000 tỷ đồng, tỉ lệ trúng thầu gần tuyệt đối. Trong đó có 77/108 gói thầu trúng tại tỉnh Long An với tổng giá trị hơn 2.300 tỷ đồng (tỉ lệ trúng thầu gần 100%). Các gói thầu Cty Đại Á Châu trúng thầu đều là đơn vị duy nhất tham gia dự thầu và tỷ lệ tiết kiệm gói thầu khá thấp.
Hai gói còn lại là XL2 do Liên danh Công ty CP Xây dựng Tân Nam - Công ty CP Núi Hồng - Công ty CP Đầu tư xây dựng dầu khí IDICO thực hiện; Gói XL3 do Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Trung Thành - Công ty CP Đầu tư Tam Sơn - Tổng công ty Thăng Long - CTCP đảm nhận thi công. Đơn vị tư vấn giám sát do liên doanh Công ty Datraco và Công ty CP Xây dựng 625.
Thông tin với báo chí sáng ngày 5/8, ông Trần Thiện Trúc, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An cho biết, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Long An có 5 gói thầu. Đến nay, sau hơn một tháng khởi công, các nhà thầu đã triển khai 3/5 gói thầu của dự án. Theo đó, gói thầu XL1, đang thi công xây dựng tuyến chính cao tốc thuộc phân đoạn Km 85+200-Km 88+766; gói XL2 xây dựng cầu Tân Bửu tuyến chính cao tốc, tuyến song hành nhánh trái và đường song hành từ đường tỉnh 830C đến nút giao thuộc phân đoạn Km 88+766 - Km 90+472; gói XL3 thi công xây dựng nút giao cuối tuyến thuộc phân đoạn Km 90+472 - Km 91+568.
Việc xây dựng hoàn thành đường Vành đai 3 TP.HCM với mục tiêu kết nối các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía nam, xây dựng hệ thống đô thị hiện đại, bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, tại buổi đi kiểm tra dự án sáng ngày 25/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Long An giao trực tiếp các mỏ nguyên vật liệu xây dựng thông thường cho nhà thầu thi công các dự án, không qua trung gian, đồng thời làm tốt việc giải phóng mặt bằng và làm đường hậu cần để khai thác các mỏ này.
Với các nhà thầu, Thủ tướng yêu cầu đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm phải ra sản phẩm, có hiệu quả cân, đong, đo đếm được; nói không với tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm công khai, minh mạch; huy động nhân lực, phương tiện, trang thiết bị… để tranh thủ thời tiết thuận lợi thi công "3 ca 4 kíp", bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường dự án, tránh đội vốn.
Địa phương, các cơ quan liên quan, các nhà thầu thi công, tư vấn, giám sát cần phối hợp chặt chẽ, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh và luôn lắng nghe các ý kiến của người dân trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm.
Mặc dù Chính phủ, các cấp ngành và địa phương đặt mục tiêu rất cao đối với dự án đường Vanh đai 3 TP.HCM nhưng thực tế sau hơn 1 tháng thi công, tiến độ dự án đang được nhiều người dân đặt dấu hỏi lớn khi theo phản ánh của nhiều người dân, hiện khu vực triển khai dự án chỉ có một vài thiết bị được tập kết, thi công “ì ạch”.
Theo ghi nhận thực tế của Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sáng ngày 22/8, tại vị gói thầu XL1 chỉ có duy nhất một máy xúc đang tiến hành san gạt mặt bằng, một cần cẩu cỡ lớn được tập kết trong khu vực dự án nhưng không hoạt động. Việc san lấp tại dự án cũng rất hạn chế và hiện đang trở thành bãi chăn thả gia súc của người dân.
Cần xử lý nghiêm nhà thầu thi công chậm tiến độ
Chia sẻ với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường về vấn đề chậm triển khai các dự án đầu tư công, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà cho hay, đối với các đường vành đai mà Quốc hội đã thông qua, đây là những con đường huyết mạch, trọng điểm nên Quốc hội phân bổ vốn đột xuất chứ không có kế hoạch vốn nhiều năm. Đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì Quốc hội sẽ cho phép bố trí vốn cho các đường vành đai này, đặc biệt là vành đai 3 và vành đai 4 trong cả nước.
Do đó, việc tiến hành thi công, trước tiên là khâu giải phóng mặt bằng, đây là khâu cực kỳ quan trọng trong ngành xây dựng. Cho nên, việc giải phóng mặt bằng đã hoàn chỉnh thì không có lý do gì dẫn đến việc thi công chậm trễ. Việc để xảy ra thi công chậm trễ thì các nhà thầu cần phải xem xét lại, các nhà thầu khi trúng thầu hoặc giao thầu thì cũng cần phải có biện pháp kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, thậm chí là xử phạt. Còn vướng về vấn đề mặt bằng thì cần phải có thời gian để xử lý. Thường thi công chậm trễ là do vấn đề mặt bằng, không có lý do mà vẫn chậm trễ thì không chấp nhận được.
Cần phải có sự đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra đối với các đơn vị thi công. Việc tiến độ các dự án lớn chậm trễ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế xã hội. Đơn cử khi phân bổ vốn cho một đơn vị thi công trong nhiệm kỳ 3 hoặc 5 năm thì phải giải ngân hết nguồn vốn đó nhanh, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm. Nếu ì ạch thì sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội chung, chứ không riêng khu vực nào, cho nên cần có việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thường xuyên.
Về vấn đề năng lực của nhà thầu, cần phải lập lại trật tự, kỷ cương trong việc đầu tư, xây dựng. Các công trình đầu tư công trọng điểm ghi vốn thì phải được giải ngân, muốn được giải ngân thì hồ sơ, thủ tục, giải phóng mặt bằng cho đến việc thi công cần phải hoàn chỉnh. Việc giải phóng mặt bằng gần như 100% rồi mà vẫn chậm thì cần phải xem xét lại nhà thầu. Nếu cần thiết phải phạt hoặc không thấy chuyển biến thì cần phải có biện pháp theo Luật Đấu thầu xử lý các nhà thầu này để làm gương cho các nhà thầu khác. Nếu thấy mình đủ khả năng, tiềm lực để thi công thì mới nhận làm, chứ đừng vì lý do gì khác.
Lý do khách quan chỉ có vấn đề giải phóng mặt bằng, còn ngoài ra các lý do khác không phải là lý do khách quan. Đơn cử như về vật liệu, các đơn vị thi công đã phải lường trước được những khó khăn đó, chứ không lấy lý do không có đất, cát để san lấp. Nếu như vậy thì không nên tham gia đấu thầu.
Về vấn đề quản lý nhà nước, việc không cương quyết, mạnh dạn xử lý đối với các nhà thầu gây ra tình trạng chậm tiến độ nhiều năm mà không hoàn thành được công trình. Có thể thấy vấn đề này là do việc quản lý yếu kém, không cương quyết đối với các nhà thầu này. Việc Ban quản lý nhà nước nắm được hết vấn đề của nhà thầu là điều đương nhiên, nhưng do nể nang nên không dám mạnh dạn, cương quyết đối với các nhà thầu gây ra tình trạng này.