Bình Thuận: Phá rừng, xây dựng trái phép tràn lan tại xã Đa Mi

Vũ Văn Thanh
Từ khu vực hồ Đa Mi và hồ Hàm Thuận đến gần ranh giới tỉnh Lâm Đồng, nhiều ha rừng nguyên sinh thuộc rừng phòng hộ Hàm Thuận – Đa Mi và xã Đa Mi đã bị tàn phá trong thời gian gần đây, khiến nhiều khu vực bị sạt lở nghiêm trọng.

0fb512bff72c25727c3d-6792-1693372946.jpg

Từ hồ Đa Mi có thể dễ dàng quan sát những những cánh rừng tan hoang do khai thác kinh tế.

Dọc theo quốc lộ 55, đoạn từ hồ Đa Mi, hồ Hàm Thuận đến ranh giới tỉnh Lâm Đồng (thuộc xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận), đập vào mắt phóng viên là nhiều diện tích rừng nguyên sinh bị tàn phá. Những tán rừng bị hạ xuống, vết chặt cây vẫn còn mới để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó chủ yếu là trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, đặc biệt là cây sầu riêng để khai thác kinh tế. Nhiều khu rừng bị hạ xuống, chỉ chừa lại một hàng cây phía mặt tiền đường, nên nếu chỉ nhìn từ quốc lộ 55 vào rất khó để phát hiện.

Theo lời người dân địa phương, họ sinh sống tại đây đã lâu, hầu hết đã có đất khai phá từ xưa nên trước đây tình trạng phá rừng có xảy ra, nhưng rất ít. Nhưng từ vài năm nay, cơn sốt bất động sản kéo đến vùng núi xa xôi này, cùng với đó là hàng đoàn người từ các địa phương khác, chủ yếu là từ TP.HCM và Lâm Đồng đến mua đất tại địa phương.

Những khu đất dù chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng vẫn được mua bán rầm rộ bằng giấy tay. Từ vài năm trước, đặc biệt là năm 2022, giá đất rừng tại đây được giao dịch với giá hàng tỷ đồng/ha, những khu đất có vị trí đẹp được chào bán tới 5 – 6 tỷ đồng/ha. Những người mua đất sau đó đã tiến hành phá rừng để trồng cây khai thác kinh tế hoặc xây nhà, xây khu du lịch hoặc các công trình phục vụ du lịch trái phép.

Dọc theo quốc lộ 55, không khó để bắt gặp cảnh máy xúc, xe tải đang đào, khoét núi để xây dựng công trình. Nhiều căn nhà xây kiên cố, bề thế, thậm chí có cả một khu dân cư mới được xây dựng trên đồi. Những công trình này hầu hết đều xây dựng tự phát, không xây dựng trên đất được cấp sổ đỏ và không có giấy phép xây dựng.

Bên cạnh đó, hai bên bờ hồ Hàm Thuận cùng các đảo trong hồ này cũng xuất hiện nhiều công trình du lịch nghỉ dưỡng, bến thuyền trái phép. Những khu nhà nghỉ, homestay được xây dựng cheo leo bên bờ hồ bằng các vật liệu tạm, không được kè chắn cẩn thận, thậm chí xây dựng nổi ngay trên lòng hồ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao.

Một trong những công trình lớn tại bờ hồ Hàm Thuận là Đa Mi Cafe & Homestay, dù nằm ở khu vực bờ hồ dốc thẳng đứng, nhưng chủ đầu tư không tiến hành kè chắn mà chỉ xây dựng những cột bê tông tạm bợ, rồi đặt các tấm bê tông dày khoảng 2cm lên các cọc chống này để xây dựng hàng chục phòng nghỉ kinh doanh. Bên bờ hồ Hàm Thuận cũng xuất hiện nhiều nhà nghỉ không có giấy phép xây dựng.

Cạnh đó là Công ty CP Phát triển Du lịch Đa Mi cũng đang tiến hành khoét đồi cạnh bờ hồ Hàm Thuận để xây dựng quán cà phê và các công trình khai thác du lịch. Doanh nghiệp này được biết cũng có một bến du thuyền tại bờ hồ Hàm Thuận, một số điểm du lịch tại các đảo cùng các phương tiện đường thủy tự chế để đưa khách du lịch tham quan lòng hồ.

Tại hồ Đa Mi cũng xuất hiện tình trạng tương tự khi nhiều công trình du lịch tự phát được xây dựng. Một trong số đó là Khu du lịch Tài Lộc vừa bị cơ quan chức năng cưỡng chế tháo dỡ.

Điều đáng nói là hoạt động phá rừng, đồi núi để xây nhà, công trình du lịch trái phép này đều diễn ra ở khu vực ngay bên cạnh Ban Quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận – Đa Mi và UBND xã Đa Mi, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra suốt một thời gian dài khiến người dân địa phương và dư luận đặt dấu hỏi về trách nhiệm quản lý của 2 đơn vị này.

Một người dân địa phương cho biết, trước đây khi còn giữ được rừng thì tình trạng sạt lở đất ít khi xảy ra. Nhưng từ mùa mưa năm nay, tình trạng sạt lở đất diễn ra rất nghiêm trọng do hệ lụy từ nạn phá rừng. Theo ghi nhận của phóng viên, quốc lộ 55 đoạn từ khu vực hồ Đa Mi – biên giới tỉnh Lâm Đồng, tình trạng sạt lở đất diễn ra rất nghiêm trọng, có những vết sạt lở lớn trên núi có thể nhìn thấy từ xa, có những điểm sạt lở gây hư hại nhà dân.

Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên Ngày Nay thu thập được:

c5cbe1c7d8670a395376-64-1693373007.jpg

Nhìn từ trên cao, nhiều đồi núi tại xã Đa Mi bị cạo trọc, cùng với đó là nhiều điểm sạt lở đất.

16b40c63eaf038ae61e1-1460-1693373039.jpg

Nhiều cánh rừng dọc quốc lộ 55 mới bị phá thời gian gần đây.

19729a257cb6aee8f7a7-5090-1693373067.jpg

Nhiều cánh rừng dọc quốc lộ 55 bị tàn phá trể trồng cây kinh tế.

db8d2310c58317dd4e92-3904-1693373097.jpg

Một máy xúc đang đào xới cạnh quốc lộ 55, cạnh đó là đống đá hộc đào được chuẩn bị vận chuyển đi.

1202e5ae003dd2638b2c-3144-1693373130.jpg

Máy múc đang hoạt động trong khu rừng gần ranh giới tỉnh Lâm Đồng.

b6e704a7e234306a6925-6456-1693373156.jpg

Một khu dân cư mới được xây dựng trên một quả đồi bị cạo trọc.

aaba8007bea76cf935b6-1397-1693373183.jpg

Ngay phía sau quả đồi xây dựng khu dân cư này đã bắt đầu xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất.

3a6a594a1ad9c88791c8-5388-1693373217.jpg

Nhiều khu vực người dân khoét núi để xây nhà kiên cố.

e934c13d4eae9cf0c5bf-8876-1693373249.jpg

Mùa mưa năm nay, quốc lộ 55 qua xã Đa Mi xuất hiện tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng, trong đó có cả nguyên nhân do phá rừng.

b830592cbcbf6ee137ae-489-1693373281.jpg

Công ty CP Phát triển Du lịch Đa Mi đào phá núi để xây dựng công trình du lịch.

57c6a2a447379569cc26-553-1693373311.jpg

Doanh nghiệp này cũng xây dựng một bến du thuyền trái phép , nhiều công trình trái phép trên các đảo của lòng hồ Hàm Thuận cùng nhiều phương tiện đường thủy tự chế chở khách tham quan.

8b56624587d655880cc7-3065-1693373339.jpg

Công trình phức hợp bề thế của quán cà phê Đa Mi Cafe & Homestay.

2e84f3f31660c43e9d71-5451-1693373370.jpg

Các phòng nghỉ của Homestay này được xây dựng tạm bợ bên bờ hồ dựng đứng nhưng không có kè chắn cẩn thận, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao.

8c07834666d5b48bedc4-6126-1693373404.jpg

Nhiều công trình du lịch cùng các nhà ở dạng nghỉ dưỡng được xây dựng trái phép trên các đảo thuộc lòng hồ Hàm Thuận.