Báo cáo của CBRE chỉ ra rằng, trong 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hấp thụ các khu công nghiệp phía Bắc đạt hơn 700 ha, cao hơn 18% so với mức hấp thụ của cả năm 2022. Giá thuê đất tiếp tục tăng do nhu cầu khả quan. Trong quý 3 vừa qua, giá thuê trung bình cho thị trường cấp 1 ở miền Bắc đạt 131 USD/m2/kỳ hạn còn lại, tăng 2% so với quý II và tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại thị trường công nghiệp miền Nam, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp trung bình đạt 81,9%. Tỷ lệ hấp thụ đất công nghiệp trong quý 3 đạt hơn 190 ha, tăng 5,9% so với quý trước. Con số này trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 770 ha, gần bằng mức hấp thụ cả năm 2022.
Giá thuê đất công nghiệp trung bình tại các thị trường cấp 1 phía Nam đạt 189 USD/m2/kỳ hạn còn lại, tiếp tục tăng nhẹ 1% so với quý trước và cao hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường ghi nhận các giao dịch lớn đến từ các doanh nghiệp Trung Quốc và Nhật Bản với đa dạng các ngành công nghiệp như cơ khí, hóa chất, nhựa, cao su, điện tử.
Chuyên gia CBRE dự báo, trong hai năm tới, giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ tăng ở ngưỡng 6 - 10%/năm tại khu vực phía Bắc và 4 - 8%/năm tại khu vực phía Nam. Nhu cầu khả quan tới từ nhiều nhóm ngành và nhiều quốc tịch thuê giúp thúc đẩy giá thuê tăng trưởng tại nhiều địa phương. Trong khi đó, giá thuê kho xưởng xây sẵn dự báo tăng nhẹ 2 - 4%/năm trong giai đoạn 2024 - 2025.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, các khách thuê tới từ Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Mỹ và Liên Minh Châu Âu là các nhà đầu tư tích cực tìm kiếm đất công nghiệp và kho xưởng tại thị trường Việt Nam; chiếm khoảng 70 - 80% số lượng hỏi thuê tới CBRE tại cả khu vực phía Nam và phía Bắc.
Với việc Việt Nam nâng cấp quan hệ hợp tác lên mức chiến lược toàn diện với các đối tác lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc trong thời gian gần đây, dòng vốn đầu tư đến từ các quốc gia này dự kiến sẽ tiếp tục dẫn dắt nguồn cầu thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Về xu hướng trong tương lai, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội chia sẻ: “Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều chuyển biến trong thời gian tới, với những kỳ vọng tăng trưởng về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, sự chuyển dịch và đa dạng về ngành nghề của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt theo hướng mang hàm lượng công nghệ cao.
Song song đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp, khách thuê đưa các mục tiêu về phát triển bền vững vào các tiêu chí lựa chọn địa điểm phát triển nhà máy, thuê kho xưởng. Đây sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của nguồn cung mới các công trình xanh trong tương lai”.
Còn theo ghi nhận củaCushman & Wakefield, sau khoảng 2 - 3 năm không có nguồn cung đất khu công nghiệp mới tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thị trường đã chứng kiến nguồn cung mới từ tỉnh Long An trong quý III vừa qua từ KCN Nam Tân Tập 171 ha do Công ty Saigontel phát triển. Tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt gần 82%, tương đương hấp thụ thuần 116 ha.
Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu là hai địa phương có tỷ lệ hấp thụ thuần cao nhất phía Nam, với tỷ trọng lần lượt khoảng 59% và 28%.
Giá bán sơ cấp trung bình được ghi nhận ở mức 165 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 1% theo quý và tăng 8,5% theo năm. Một số khu công nghiệp đã có ghi nhận điều chỉnh giá tăng từ 3 đến 5% so với cùng kỳ.
Cushman & Wakefield dự báo với những nỗ lực không ngừng từ các chủ đầu tư và chính quyền địa phương, dự kiến sẽ có nguồn cung đất KCN mới dồi dào gia nhập thị trường. Từ hiện tại đến năm 2026, nguồn cung tương lai khoảng 5.700 ha, chủ yếu đến từ các tỉnh lân cận TP HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong bối cảnh nhu cầu thuê đất cao, giá thuê đất được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng.