Nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh các giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, thời gian qua nhiều tỉnh thành đã thí điểm chuyển đổi một số KCN từ mô hình truyền thống sang KCN sinh thái, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực về kinh tế, xã hội, môi trường…
Hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường…
Theo các chuyên gia, hiện nay, phát triển kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng của các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt. Thế nên, việc chuyển đổi các KCN từ chiều ngang sang chiều sâu theo hướng bền vững được thực hiện thông qua thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, trao đổi năng lượng và các sản phẩm phụ giữa các DN cùng khu; huy động được nguồn lực lớn từ khu vực kinh tế tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng xung quanh KCN…
Đồng thời, bên cạnh việc chuyển đổi các KCN hiện hữu, trong dài hạn, Việt Nam cũng hướng tới việc quy hoạch và xây dựng mới các KCN sinh thái, trong đó đáp ứng các yêu cầu về thiết kế, quy hoạch; thu hút các dự án đầu tư theo ngành nghề, lĩnh vực, quy trình và công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, có tính tương hỗ về sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu chất thải và tái sử dụng nguyên vật liệu, năng lượng.
Thực tế thời gian qua đã có không ít KCN chuyển đổi sang môi trường sinh thái thành công như KCN Khánh Phú, KCN Gián Khẩu (Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc 1 và 2 (Cần Thơ)… Tại những KCN này có khoảng 72 DN thực hiện trên 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm cho DN trên 22.000 MWh điện, 600.000 m3 nước, 140 TJ nhiên liệu hóa thạch, gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải, trên 76 tỷ đ/năm và huy động trên 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để thực hiện giải pháp; giảm tiêu thụ năng lượng, nước, hóa chất và chất thải; cắt giảm 32 Kt khí CO2/năm…
Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ KH&ĐT Vương Thị Minh Hiếu cho biết: Bộ KH&ĐT đã phối hợp với Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) thông qua dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”, nhân rộng thêm mô hình KCN sinh thái tại 3 địa phương là Hải Phòng, Đồng Nai, TP.HCM và thu được các kết quả rất đáng khích lệ.
Thống kê đến tháng 10/2023, Dự án hỗ trợ 68 DN tại 3 KCN Deep C-Đình Vũ, Amata Đồng Nai và KCN Hiệp Phước góp phần tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực tại KCN và với khu đô thị liền kề hướng tới thực hiện kinh tế tuần hoàn thông qua các hoạt động đào tạo, đánh giá; xác định và thực hiện khoảng 300/600 giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn và 62 giải pháp cộng sinh công nghiệp giúp tiết kiệm 23 triệu kWh điện/năm, 384 nghìn m3 nước/năm, tiết kiệm 3,1 triệu USD/năm và giảm 24 nghìn tấn CO2 tương đương/năm...
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách
Mặc dù đạt kết quả tích cực, nhưng việc phát triển các KCN thời gian qua bộc lộ một số hạn chế do quy hoạch phát triển KCN chưa thể hiện rõ được tầm nhìn chiến lược, tổng thể. Tại một số nơi, quy hoạch phát triển KCN chưa sát với nhu cầu phát triển và khả năng thu hút đầu tư, dẫn đến chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư chưa đạt kỳ vọng về sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên về đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo phát triển bền vững, cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội…
Bên cạnh đó, tại các KCN truyền thống hiện nay, cộng đồng các KCN trong cùng địa phương còn thiếu tính liên kết, cùng hợp tác nhằm tăng sức cạnh tranh, kết nối với các KCN tại địa phương lân cận. DN trong cùng KCN chưa tận dụng hết các lợi thế của nhau để cùng cộng sinh công nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả; đồng thời tiết kiệm chi phí, tận dụng tài nguyên sẵn có.
Việt Nam đang tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, việc chuẩn bị hạ tầng công nghiệp là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của nhà đầu tư FDI.
Đặc biệt, việc triển khai các KCN sinh thái được đánh giá là mô hình tất yếu, khắc phục được hạn chế, bất cập về môi trường, giảm lãng phí tài nguyên, gia tăng chuỗi giá trị và tác động lan tỏa thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Điều này đặt ra yêu cầu Việt Nam cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hơn nữa về thể chế, chính sách, quy định hiện hành; điều chỉnh mục tiêu, định hướng phát triển KCN, khu kinh tế để thích ứng với bối cảnh mới, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…