Nutifood: Sản phẩm gắn mác sữa trái cây bị tố vi phạm nhãn hàng hóa

Phạm Thạch
Một số loại sản phẩm sữa “Nuvi” của Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood (Nutifood) vừa bị Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng thuộc EuroCham (NFG) phản ánh có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nhãn hàng hoá và quảng cáo. Đây là những sản phẩm gắn mác "sữa trái cây" bày bán phổ biến trên thị trường.

Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh phản ánh

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa có văn bản tới một số cơ quan chức năng phản ánh về việc dòng sản phẩm Thức uống dinh dưỡng Sữa tươi trái cây tươi Nuvi; Sữa tươi lúa mạch Nuvi, Sữa thạch lúa mạch Nuvi (Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood) hay Sữa trái cây Kun (Công ty Cổ phần Sữa quốc tế IDP)... đang vi phạm các quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hoá và quảng cáo.

ong-than-duc-cong-cuc-truong-cuc-nghiep-vu-quan-ly-thi-truong-1708567777.jpg
Ông Thân Đức Công - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường)./Ảnh báo Lao động

Trao đổi với báo chí, ông Thân Đức Công - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) - cho biết, cơ quan chức năng đang trong quá trình xem xét kĩ hồ sơ, những phản ánh từ phía EuroCham để xác định vi phạm một cách chính xác nhất.

"Trên cơ sở văn bản phản ánh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng phân tích, xem xét rõ cụ thể để phát hiện ra những vi phạm. Nếu có vi phạm phải tổ chức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật" - ông Thân Đức Công nói.

Ông Công cũng cho biết lực lượng quản lý thị trường thường xuyên tổ chức những kế hoạch kiểm tra định kỳ và chuyên đề về ngành hàng an toàn thực phẩm, trong đó có mặt hàng sữa bởi đây là mặt hàng trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Cũng theo vị này, riêng năm 2023, cơ quan chức năng kiểm tra gần 9.000 vụ trên toàn quốc, xử lý gần 7.000 vụ, số tiền xử phạt hành chính xấp xỉ 40 tỉ đồng, giá trị hàng tịch thu hơn 30 tỉ đồng, trong đó có 24.000 sản phẩm sữa.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản trả lời báo chí liên quan đến việc tuân thủ pháp luật trong ghi nhãn của một số sản phẩm sữa trái cây.

Theo Cục An toàn thực phẩm, đối với phản ánh về ghi nhãn và quảng cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Erocham) và Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng thuộc Erocham (NFG) liên quan đến dòng sản phẩm Nuvi của Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương để kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm (nếu có).

Nhiều dấu hiệu vi phạm về thành phần và quy chuẩn

sua-nuvi-2-1708567848.jpg
Nhiều sản phẩm gắn mác “sữa trái cây” được bán phổ biến trên thị trường

Ngày 03/1/2024, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm) đã có văn bản gửi tới một số cơ quan hữu quan, phản ánh về việc một số dòng sản phẩm thức uống dinh dưỡng Nuvi sữa tươi trái cây tươi; Sữa mạch lúa mạch Nuvi; Sữa tươi lúa mạch Nuvi của Công ty Cổ phẩn Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood đang vi phạm các quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa và quảng cáo.

Văn bản của Eurocharm nêu rõ, điều 11 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định "Trường hợp tên của thành phần được sử dụng làm tên hay một phần của tên hàng hóa thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng".

Eurocharm viện dẫn một ví dụ thực tế cho thấy nhãn sản phẩm "Nuvi Sữa tươi trái cây tươi" chỉ có thành phần "nước ép cam hoàn nguyên", tức là làm từ nước pha với bột cam hoặc nước cam cô đặc, không thấy có chứa thành phần "cam tươi" hay bất kỳ một loại trái cây tươi nào khác.

Vì vậy, Eurocharm cho rằng, nhãn sản phẩm "Nuvi Sữa tươi trái cây tươi" đã vi phạm điều 11 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng rằng sản phẩm này làm từ trái cây tươi, nhưng thực chất làm từ nước ép hoàn nguyên.

Ngoài ra, điều 11 Nghị định 43/2017/NĐ-CP cũng quy định "Tên hàng hóa không được làm hiểu sai lệch về bản chất, công dụng và thành phần của hàng hóa"; Quy định kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng của Bộ Y tế (QCVN 5-1:2010/BYT) ban hành cũng giải thích rõ "sữa tươi" được chế biến chủ yếu từ sữa tươi nguyên liệu.

Những phản ánh của EuroCham cho thấy nhiều dấu hỏi về thành phần, quy chuẩn đáp ứng của những dòng sản phẩm gắn mác "sữa trái cây".

EuroCham đưa ví dụ về thực tế sản phẩm “Nuvi Sữa tươi trái cây tươi” theo bảng thành phần trên nhãn, có thành phần chủ yếu là nước (thành phần lớn nhất), bổ sung một tỉ lệ nhỏ sữa tươi (144g/L hay khoảng 14%), bổ sung đường, nước cam ép hoàn nguyên và một vài chất khác nhưng không có bổ sung “trái cây tươi”.

Từ những số liệu trên, Eurocharm nhận định: Việc đặt tên và quảng cáo sản phẩm là "Nuvi Sữa tươi trái cây tươi" là không phù hợp, vì dẫn đến người tiêu dùng hiểu nhầm rằng sản phẩm có thành phần chính là sữa tươi và trái cây tươi. Vì thế, nhãn sản phẩm Nuvi sữa tươi trái cây tươi Nutifood và một số nhãn sản phẩm tương tự đang vi phạm Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa của Chính phủ và QCVN 5-1:2010/BYT.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Lê Ngọc An, Công tác tại Trường Đại học Y dược - Đại học Quốc gia Hà Nội: “Thức uống dinh dưỡng bán trên thị trường mà người ta hay gọi là sữa trái cây chẳng hạn, thì theo tôi không nên gọi nó là sữa, bởi nó không đủ thành phần như sữa theo chuẩn quy định của Viện dinh dưỡng quốc gia. Tôi thấy rằng nhiều sản phẩm dinh dưỡng này có hàm lượng giá trị dinh dưỡng không đủ theo quy chuẩn của sữa mà lại nhiều đường. Trong khi bây giờ nhiều cơ quan nghiên cứu dinh dưỡng đang khuyến cáo hạn chế sử dụng đường trong chất dinh dưỡng". Cũng theo TS An, nhiều phụ huynh không có thói quen nhìn bảng thành phần khi mua sữa, hoặc là không có chuyên môn thì đọc bảng thành phần ghi trên nhãn mác họ cũng không hiểu rằng các sản phẩm đấy không đủ chất dinh dưỡng như sữa. Những sản phẩm thức uống dinh dưỡng thì người ta cho thêm các loại hương vị, thêm đường nên uống nó ngon hơn sữa bởi vậy, trẻ em dễ thích uống hơn là uống sữa.

Thành phần cấu tạo của xương không chỉ có canxi mà còn có photpho, đạm… những chất này, đồ uống trái cây không thể đáp ứng cho cơ thể được. Hiện, ngày càng nhiều cơ quan dinh dưỡng khuyến cáo nên hạn chế cho trẻ em sử dụng các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao.

"Bởi vậy, người tiêu dùng cần phải cẩn trọng, tìm hiểu, tham khảo kỹ trước khi mua thức ăn dinh dưỡng hoặc sữa, đặc biệt là những người đang nuôi con nhỏ", Tiến sĩ An nói.

Về vụ việc này, theo EuroCham, trong văn bản phản hồi của Nutifood gửi tới hiệp hội này cho biết có nội dung quảng cáo có sự thiếu sót và "đã ngay lập tức tiến hành sửa đổi toàn bộ các quảng cáo để tránh sự nhầm lẫn".

Điều 11, Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Tên hàng hóa, như sau:

Tên hàng hóa phải ở vị trí dễ thấy, dễ đọc trên nhãn hàng hóa. Chữ viết tên hàng hóa phải là chữ có kích thước lớn nhất so với các nội dung bắt buộc khác trên nhãn hàng hóa.

Tên hàng hóa ghi trên nhãn do tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa tự đặt. Tên hàng hóa không được làm hiểu sai lệch về bản chất, công dụng và thành phần của hàng hóa.

Trường hợp tên của thành phần được sử dụng làm tên hay một phần của tên hàng hóa thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng.