Đến năm 2030 Đồng Nai sẽ có thêm 6 đô thị mới

Phạm Thạch
Theo chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh này đạt khoảng 75-80% và có 17 đô thị, trong đó hình thành 6 đô thị mới.

Theo đó, 6 đô thị mới loại V dự kiến hình thành đến năm 2030 là Thạnh Phú, Sông Nhạn, La Ngà, Phú Túc, Phú Lý và Phú Lâm, bên cạnh 11 đô thị hiện hữu gồm 1 đô thị loại I (thành phố Biên Hòa), 1 đô thị loại III (thành phố Long Khánh), 2 đô thị loại IV (thành phố Long Thành, thị trấn Trảng Bom) và 7 đô thị loại V (Định Quán, Tân Phú, Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Vĩnh An và Hiệp Phước).

Trong định hướng phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, các đô thị sẽ được hình thành dọc trên các tuyến hành lang kinh tế mới theo quy hoạch, phát triển phù hợp với đặc điểm từng khu vực. Trong đó "điểm nhấn" phát triển không gian đô thị là thành phố Biên Hòa

Cụ thể, với hành lang kinh tế Đông - Tây (hành lang cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Dầu Giây - Phan Thiết) hiện nay tuyến Quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam đang là trục tạo nên chuỗi đô thị trọng tâm của tỉnh nhưng trong tương lai, khi các tuyến cao tốc hình thành luồng vận tải mới xoay trục từ Đông - Tây thành Bắc - Nam, khu vực thành phố Biên Hòa - thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) sẽ được "giải thoát" khỏi vai trò vận tải nặng, trở thành trục giao thương đô thị đáng sống. Đây sẽ là cơ sở để đưa Biên Hòa trở thành trung tâm đô thị tri thức, sáng tạo, thay vì chỉ là một trung tâm đô thị công nghiệp công nghệ cũ.

123420230711170534-1689918292.jpg
Dự kiến đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai sẽ có thêm 6 đô thị mới loại V, nâng tổng số thành 17 đô thị.

Với hành lang phía Tây Nam bao gồm các trục cao tốc: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - sân bay Long Thành và nhiều trục phụ khác theo các cầu qua sông Đồng Nai nối trung tâm TP.HCM với các huyện Nhơn Trạch, Long Thành. Các khu đô thị, khu chức năng thời kỳ mới sẽ hình thành trên tuyến không gian này, nối giữa 2 cực là trung tâm kinh tế quốc gia (thành phố Thủ Đức) và trung sân bay Long Thành.

Trong khi đó, hành lang Bắc - Nam (hành lang cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), với điểm trung tâm tại thành phố Biên Hòa sẽ là hành lang công nghiệp hóa - đô thị hóa quy mô lớn. Trong tương lai, trục này sẽ được nối thẳng từ Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) đến thành phố Vũng Tàu bởi các đường vận tải nặng và trở thành trục kinh tế trọng điểm, lấy 3 tỉnh công nghiệp hóa là Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu làm địa bàn phát triển, thu hút lực lượng lao động và tri thức từ trung tâm vùng. Tương lại trục đô thị này này sẽ bao gồm các đô thị “trẻ”, năng động, hiện đại.

Trong định hướng phát triển và phân bổ các đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, Đồng Nai sẽ lấy 4 đô thị làm động lực, phân bổ xung quanh sân bay Long Thành. Trong đó đô thị Nhơn Trạch sẽ là đô thị mới, đô thị thông minh, cảng biển và đầu mối giao thông kết nối với TP.HCM. Thành phố Biên Hòa sẽ là đô thị tập trung phát triển thương mại - dịch vụ quy mô lớn, du lịch kết hợp cảnh quan sông Đồng Nai. Đô thị Long Thành với lợi thế “sở hữu” sân bay Long Thành sẽ là đô thị thông minh, trung tâm thương mại - dịch vụ, giao lưu quốc tế và là đầu mối giao thông kết nối toàn vùng. Riêng đô thị Long Khánh, với vị trí nằm gần các khu vực phát triển nông nghiệp của tỉnh sẽ là đầu mối tiếp nhận, phân phối, chế biến nông sản.