Chuyển trọng tâm ưu tiên

Minh Tuấn
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê, bình quân mỗi tháng có hơn 20.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tính chung 9 tháng qua, cả nước có hơn 183.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,7% nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng lên tới 163.800 doanh nghiệp, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung mỗi tháng có 18.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, thấp hơn so với số doanh nghiệp gia nhập.

Từ những số liệu này, một vấn đề đã tồn tại từ lâu một lần nữa lại đặt ra là vì sao sức chống chọi của doanh nghiệp nước ta rất cao nhưng lại “không thể lớn”, “ngại lớn”, “chậm lớn”? Thực tế, cách đây khoảng 1 năm, tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cũng đã nêu ra nghịch lý này. Đó là doanh nghiệp nước ta giỏi chống chịu, “sống dai” nhưng “chậm lớn”, “khó trưởng thành”. Các doanh nghiệp nước ta tuy gắn với quá trình chuyển đổi kinh tế chưa lâu nhưng có những đặc điểm phát triển khác thường. Đó là doanh nghiệp có năng lực chống chịu và “sinh tồn” phi thường nhưng tại sao vẫn “chậm lớn”, “khó lớn”, “ngại lớn”?

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hiệu quả những cam kết về sự an toàn, minh bạch trong môi trường kinh doanh vẫn chưa như mong muốn. Những yêu cầu về cải cách mà Thủ tướng kiên quyết duy trì đôi lúc, nhiều nơi vẫn còn trong tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Doanh nghiệp vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn khi tiếp cận thông tin và nguồn lực, vốn, đất đai, mặt bằng sản xuất. Gánh nặng chi phí không chính thức; sự bất bình đẳng về sự phân bổ nguồn lực, tiếp cận các nguồn lực giữa khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân vẫn hiện hữu.

Trong khi đó, hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng chưa đủ để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, tham gia vào chuỗi liên kết với những doanh nghiệp đầu tàu. Thị trường cạnh tranh trong nhiều ngành, lĩnh vực chưa thực sự đồng bộ, dẫn tới tình trạng xin - cho, thậm chí là gây nhũng nhiễu, phiền hà khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn…

Thực tế cũng cho thấy, không phải doanh nghiệp nào cũng “không muốn lớn” hoặc cố tình “chậm lớn”. Có nhiều doanh nghiệp rất muốn đầu tư để phát triển nhưng không thể hoặc gặp nhiều khó khăn do thể chế, pháp luật còn một số vướng mắc, bất cập, chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển.

Việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh chưa triệt để. Tiến độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp còn chậm, nhất là các dự án quy mô lớn. Cho nên, để doanh nghiệp có thể lớn và “không ngại lớn” vấn đề cốt lõi, theo ông Trần Đình Thiên là tập trung tháo gỡ các rào cản, “nút thắt” về thể chế, chính sách đang cản trở sự phát triển. Ưu tiên thúc đẩy phát triển thị trường, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường, hạn chế phân bổ theo cơ chế xin - cho.

Nhìn nhận ở góc nhìn rộng hơn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn cho rằng, đã đến lúc chuyển trọng tâm ưu tiên từ hoàn thiện xây dựng pháp luật sang thúc đẩy thực thi. Vì chất lượng thực thi là điều quan trọng nhất, bởi nếu xây dựng pháp luật tốt mà thực thi không tốt cũng sẽ không hiệu quả.

Theo Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 9.5.2024, mục tiêu từ nay đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65 - 70% GDP cả nước. Còn theo Nghị quyết 10 năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng thì phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp. Đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%.

Để thực hiện được mục tiêu này, vấn đề mấu chốt là những rào cản về thể chế cần được tháo gỡ một cách triệt để, để không chỉ phát triển về số lượng mà tình trạng doanh nghiệp không thể “lớn”, “ngại lớn”, “chậm lớn” cũng được giải quyết một cách căn cơ, bền vững.