Xây dựng Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy, BIM Group có đang trực tiếp tác động đến môi trường sống của sinh vật quý hiếm tại Vườn Quốc gia Núi Chúa

Phạm Thạch

Tại hội thảo quốc tế "Thúc đẩy công tác bảo tồn cheo cheo lưng bạc và Hệ sinh thái rừng khô hạn ven biển của Việt Nam" tổ chức tại Vườn Quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận), ngày 18/10 vừa qua đã nhận được nhiều ý kiến cảnh báo về nguy cơ đối với loài cheo cheo lưng bạc đang sinh sống tại đây. Đáng chú ý, nơi này chính là nơi Tập đoàn BIM Group sẽ xây dựng Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy.

Vào năm 2018, một nhóm các nhà nghiên cứu đã ghi nhận loài Cheo cheo lưng bạc xuất hiện ở rừng Vườn Quốc gia Núi Chúa. Đây là phát hiện đa dạng sinh học quan trọng của Việt Nam và thế giới, bởi loài thú này đã được một số chuyên gia quốc tế nghi ngờ khả năng còn tồn tại ngoài tự nhiên sau gần 30 năm "mất tích". Hiện nay, đã phát hiện 2 quần thể Cheo cheo lưng bạc ở Khánh Hòa và Ninh Thuận. Riêng tại Vườn Quốc gia Núi Chúa của Ninh Thuận là nơi sinh sống của quần thể duy nhất trong khu bảo tồn và có khả năng là quần thể lớn nhất, ổn định nhất được biết đến trên toàn thế giới.


Cheo cheo lưng bạc là loại động vật nằm trong danh sách 25 loài quý hiếm nghi tuyệt chủng của Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu (GWC). Năm 2018, Viện Sinh thái học miền Nam hợp tác với Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa, Viện Nghiên cứu vườn thú và động vật hoang dã Leibniz cùng Tổ chức phi chính phủ Re:wild phát hiện về sự tồn tại của loài cheo cheo lưng bạc trong sinh cảnh rừng tự nhiên ở Vườn quốc gia Núi Chúa. Cheo cheo là thú móng guốc nhỏ nhất, nhìn giống hươu nhưng không có tuyến lệ. Cheo cheo lưng bạc là một trong 6 loài cheo cheo được ghi nhận trên thế giới. Tại Việt Nam có hai loài: cheo cheo lưng bạc (Tragulus versicolor) và cheo cheo Nam Dương (Tragulus kanchil). Trong đó, cheo cheo lưng bạc là loài thú móng guốc đặc hữu của Việt Nam.

cheo-cheo-1698392314.jpg
Cheo cheo lưng bạc được phát hiện tại Vườn Quốc gia Núi Chúa. (Ảnh: BTC)

Theo ông Lê Huyền – Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, việc phát hiện loài Cheo cheo lưng bạc ở Vườn Quốc gia Núi Chúa là tín hiệu đáng mừng không chỉ đối với các nhà khoa học, mà còn với các đơn vị quản lý nhà nước và người dân trong vùng. Phát hiện này cũng chứng thực tầm quan trọng của sinh cảnh rừng khô hạn ven biển ở Núi Chúa trong việc nuôi dưỡng đa dạng sinh học độc đáo. Qua đó, sẽ góp phần đảm bảo các giá trị dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cho con người.


Đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ngành ở các cấp để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong vườn.


Liên quan tới Vườn quốc gia Núi Chúa, thời gian gần đây, tập đoàn BIM Group đã được chấp thuận triển khai dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Đáng chú ý, dự án có một phần diện tích (xấp xỉ 12 ha rừng) thuộc lâm phần quản lý của Vườn Quốc gia Núi Chúa phải chuyển đổi mục đích. Theo các chuyên gia, điều này sẽ khiến hệ sinh thái và cảnh quan khu vực dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng(?)


Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy có địa chỉ tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu theo Quyết định số 419/QĐ-UBND ngày 22/10/2015 cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam (Công ty Syrena Việt Nam) – Thành viên Tập đoàn BIM Group làm chủ đầu tư.


Sau đó, dự án được UBND tỉnh Ninh Thuận điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư 2 lần bằng Quyết định số 412/QĐ-UBND ngày 4/12/2017 và lần điều chỉnh gần nhất theo Quyết định số 314/QĐ-UBND ngày 1/6/2022.


Theo Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương số 314/QĐ-UBND ngày 1/6/2022, dự án có diện tích sử dụng đất là 64,65 ha, diện tích đất được chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng các công trình kiến trúc, cơ sở hạ tầng không vượt quá 20% diện tích dự án đầu tư, đảm bảo tuân thủ về mật độ xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng, đất đai, lâm nghiệp; diện tích thực tế được xác định theo diện tích được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng theo quy định của pháp luật; phần diện tích còn lại triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về lâm nghiệp và pháp luật khác có liên quan.

Theo Ban quản lý vườn Quốc gia Núi Chúa thì khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy nằm trong lâm phần vườn Quốc gia Núi Chúa có diện tích 64,65 ha (giảm 4 ha so với quy hoạch chi tiết đã phê duyệt năm 2017). Thì phần lớn diện tích 64,17 ha là đất quy hoạch rừng đặc dụng. Diện tích đất mặt nước quy hoạch khu bảo tồn Biển vườn Quốc gia Núi Chúa là 0,48 ha.

vinh-hy-1698392399.png
Vị trí Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy nhìn từ bản đồ. (Ảnh: Báo cáo đánh giá tác động môi trường)

Ngày 10/3/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Sở NN&PTNT) tỉnh Ninh Thuận đã có báo cáo kết quả kiểm kê, đánh giá hiện trạng rừng và đất rừng tại dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy của Công ty Syrena Việt Nam.


Theo Sở NN&PTNT Bình Thuận diện tích phải thu hồi chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy là 11,58 ha diện tích rừng (rừng tự nhiên là 10,60 ha; rừng trồng là 0,98 ha) thuộc quy hoạch rừng đặc dụng do Ban quản lý rừng Quốc gia Núi Chúa quản lý.


Căn cứ khoản 2 Điều 20 Luật Lâm nghiệp: “Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 ha; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 20 ha đến dưới 50 ha; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 20 ha đến dưới 500 ha; rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1000 ha”.


Do đó, việc Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận sẽ thuộc thẩm quyền của Thủ Tướng Chính phủ.


Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, khu đất dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy thuộc khoảnh 5, tiểu khu 150, là rừng đặc dụng, thuộc phân khu hành chính do Vườn Quốc gia Núi Chúa quản lý, cách ranh giới phân khu bảo vệ nghiêm ngặt khoảng 50m về phía Bắc, cách khu vực trung tâm vườn quốc gia khoảng 8km. Do vậy quá trình thi công và hoạt động của dự án sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái và cảnh quan của khu vực này.


Báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng chỉ ra việc “tách" gần 12 ha đất rừng thuộc vườn Quốc gia Núi Chúa để thực hiện dự án gần khu bảo tồn thiên nhiên đang được bảo tồn nghiêm ngặt dư luận cho rằng cần được xem xét đánh giá một cách kỹ lưỡng tránh làm ảnh hưởng tới quần thể san hô cũng như môi trường sống của nhiều loài sinh vật tại khu vực của dự án.


BIM Group là chủ đầu tư của loạt dự án đình đám như Dự án Habor Bay, Dự án quần thể nghỉ dưỡng Hạ Long Marina, Dự án Grand Bay Hạ Long Villas, Khu nghỉ dưỡng Intercontinental Phú Quốc Long Beach, Khu phức hợp nghỉ dưỡng Phú Quốc Marina Square…đã giúp cho BIM Group trở thành một trong những tập đoàn bất động sản nghỉ dưỡng nổi tiếng tại Việt Nam.