Thu hẹp kinh doanh, sang nhượng cửa hàng vẫn “rầm rộ”
Ghi nhận của phóng viên báo Lao động Thủ đô trên một số con phố lớn của Hà Nội như Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang, Phố Huế (quận Hoàn Kiếm); hay các tuyến phố Tôn Đức Thắng, Tây Sơn, Xã Đàn (quận Đống Đa); Nguyễn Trãi (Thanh Xuân); Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy)… không khó để phóng viên ghi nhận được hình ảnh những cửa hàng, mặt bằng kinh doanh trước đây vốn kinh doanh rất sầm uất, nay phải chịu cảnh đóng cửa, treo biển cho thuê, sang nhượng.
Anh Nguyễn Mạnh Hà, một môi giới cho thuê mặt bằng kinh doanh lâu năm ở Hà Nội cho biết, hiện nay dù kinh tế đã phục hồi sau đại dịch Covid-19; thành phố Hà Nội cũng ban hành nhiều chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng, phục hồi phát triển kinh tế; tuy nhiên, do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng với những ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine nên đã tác động đến nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trong đó, nhiều người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp, thu nhập giảm sút nên phải “thắt lưng, buộc bụng” trong chi tiêu. Trong khi đó, loại hình kinh doanh online (trực tuyến) lên ngôi, cũng tác động không nhỏ đến việc kinh doanh trực tiếp của thị trường bán lẻ.
“Rất nhiều mặt hàng cho thuê trên các tuyến phố lớn bỏ trống, hoặc treo biển sang nhượng do các chủ kinh doanh “tháo chạy” vì không cân đối được chi phí. Đáng chú ý, nhiều cửa hàng nằm ngay tại các con phố lớn sầm uất là Hàng Ngang, Hàng Đào trước đây, từng là nơi kinh doanh phát triển của các thương hiệu trong ngành thời trang, mỹ phẩm… nay cũng phải treo biểu sang nhượng, nhưng cũng chưa thể tìm được người thuê do giá thuê mặt bằng không hề giảm so với trước đây”, anh Hà cho hay.
Bên cạnh việc nhiều chủ kinh doanh treo biển cho thuê cửa hàng, sang nhượng mặt bằng; thời điểm này, không ít người kinh doanh vẫn đang có nhu cầu tìm kiếm mặt hàng để kinh doanh. Tuy nhiên, điều khó khăn đối với các chủ kinh doanh mới, đó là việc giá thuê mặt bằng kinh doanh không hề giảm, mà còn tăng hơn trước; thậm chí, không ít chủ mặt bằng chấp nhận để trống mặt bằng thời gian dài, chứ nhất định không chịu giảm giá cho thuê. Trong khi đó, giá thuê mặt bằng kinh doanh trên các con phố lớn của Hà Nội thường có giá thuê từ vài chục triệu đồng, cho đến hàng trăm triệu đồng/tháng tùy diện tích, vị trí.
Chị Thu Thủy, chủ căn nhà có mặt bằng cho thuê trên phố cổ... cho biết, diện tích mặt bằng tầng 1 nhà chị là 40m2, trước đây đã cho khách thuê với giá 50 triệu đồng/tháng và thuê ổn định nhiều năm nay. Tuy nhiên, 2 tháng nay khách thuê đã trả lại mặt bằng và chị Thủy đã treo biển cho thuê, nhưng hiện vẫn chưa tìm được khách thuê mới. “Mặc dù giá thuê vẫn được giữ nguyên như trước, nhưng nhiều khách đến hỏi, xem qua mặt bằng rồi không thấy trở lại. Có thể giai đoạn này kinh tế khó khăn, nên người thuê mặt bằng kinh doanh cũng cân nhắc, đắn đo về giá”, chị Thủy nói.
Tín hiệu tích cực từ các trung tâm thương mại
Có thể thấy, hiện tượng chủ kinh doanh treo biển cho thuê, sang nhượng không chỉ diễn ra ở khu vực nội thành, mà tại các tuyến phố đông đúc ở các khu vực ngoại thành Hà Nội, tình trạng sang nhượng, cho thuê cửa hàng cũng diễn ra hàng loạt. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu vẫn là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, trong khi đó, không ít trường hợp là do chủ kinh doanh và chủ mặt bằng chưa tìm được tiếng nói chung dẫn đến đôi bên cùng rơi vào thế khó. Thực tế, nhiều trường hợp dù kinh doanh gặp khó khăn, nhưng chủ mặt bằng vẫn giữ nguyên mức giá thuê cũ, trong khi đó, khách thuê lại mong muốn giá phù hợp hơn khi thị trường kinh doanh đang có phần trầm lắng.
Mặc dù thị trường kinh doanh, bán lẻ có vẻ trầm lắng, tuy nhiên, theo đánh giá của ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, hiện nay, thị trường ghi nhận thực trạng mặt bằng kinh doanh trên các tuyến phố lớn bỏ trống do giá chào thuê quá cao; nhiều cửa hàng treo biển sang nhượng, cho thuê nhưng nhìn chung số lượng không nhiều. Thực tế, hiện nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ nhà mặt phố, nhất là mặt bằng bán lẻ đắc địa trên tuyến phố lớn hay khối đế chung cư, trung tâm thương mại tại các thành phố lớn vẫn đang tăng cao.
Theo báo cáo quý II/2023 về thị trường Bất động sản Hà Nội từ Công ty TNHH CBRE Việt Nam cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa tại Hà Nội trong 6 tháng đầu năm đạt 235,6 nghìn tỉ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, mặc dù hoạt động kinh doanh có phần trầm lắng hơn thời điểm trước dịch Covid-19; tuy nhiên, các mặt bằng kinh doanh tại khu vực trung tâm Thủ đô tiếp tục được nhiều nhãn hàng quan tâm giúp tỉ lệ trống giảm và giá thuê cải thiện.
Theo đó, giá chào thuê trung bình tại tầng trệt (không bao gồm thuế GTGT và phí dịch vụ) tại khu vực trung tâm được ghi nhận ở mức 162 USD/m2/tháng, tăng gần 13% trong 6 tháng qua. Tỉ lệ trống tại khu vực trung tâm cũng giảm xuống còn 2,6% so với cuối năm 2022. Tỉ lệ trống đã về gần với giai đoạn trước đại dịch (thời điểm tỉ lệ trống ở khu vực này rơi vào ngưỡng 1% - 1,5%).
Đặc biệt, thị trường bán lẻ ở Hà Nội trong quý 2 cũng chứng kiến sự mở rộng tích cực của các nhà bán lẻ quốc tế tại các trung tâm thương mại lớn. Đáng chú ý, các nhãn hàng ăn uống và thời trang vẫn là nhóm khách tích cực tìm kiếm diện tích thuê mới để mở rộng tại Hà Nội. Trong 2 năm tới, dự kiến với việc diện tích bán lẻ tại các khách sạn cao cấp mới tại Hà Nội đi vào hoạt động sẽ thu hút thêm nhiều thương hiệu cao cấp đến thị trường Hà Nội.
Cũng theo báo cáo từ Công ty TNHH CBRE Việt Nam, từ nay đến cuối năm 2023, dự kiến Hà Nội sẽ đón nhận thêm gần 97.000 m2 NLA (diện tích trong tòa nhà có thể cho thuê) diện tích bán lẻ. Phần lớn các mặt bằng này được phát triển ở khu vực ngoài trung tâm Thành phố, trong đó đáng chú ý là dự án Lotte Mall Hà Nội ở phía Tây Hồ Tây (dự kiến khai trương cuối năm 2023) và dự án Vinaconex Diamond ở phía Nam, cung cấp tổng cộng hơn 84.800 m2 NLA diện tích bán lẻ.
CBRE dự đoán, mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm sẽ tiếp tục ghi nhận tỉ lệ trống thấp, trong khi đó, tốc độ tăng trưởng giá thuê sẽ chậm lại sau 2 năm tăng trưởng mạnh. Tại khu vực ngoài trung tâm, các mặt bằng được thiết kế tốt do các nhà bán lẻ chuyên nghiệp vận hành sẽ được ưa chuộng. Các vị trí đắc địa sẽ tiếp tục được săn đón, tuy nhiên trước tình trạng nguồn cung hạn chế tại khu vực trung tâm, các nhà phát triển đang có xu hướng mở rộng sang khu vực ngoài trung tâm, đặc biệt là những vị trí có sẵn quỹ đất, tập trung nhiều dự án văn phòng, khu dân cư quy mô lớn và cơ sở hạ tầng tốt…