SDIC – Ông lớn bất động sản tỷ đô có nguy cơ phá sản, liên quan gì đến Techcombank?

Phạm Thạch
SDIC (Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn) có lẽ là doanh nghiệp kì lạ nhất Việt Nam. Có tài sản tỷ USD, nhưng SDIC vẫn miệt mài lỗ và đang âm vốn chủ sở hữu.

Tài sản gần 4 tỷ USD, âm vốn chủ sở hữu

Báo cáo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, SDIC bị lỗ hơn 5.400 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023. Đồng thời, vốn chủ sở hữu cũng bị âm gần 1.600 tỷ đồng. Theo các báo cáo trước đó, có thể thấy được SDIC là một doanh nghiệp bất động sản (BĐS) có quy mô hàng đầu Việt Nam.

Cụ thể, báo cáo tài chính năm 2022 của SDIC ghi nhận, đơn vị này lỗ hơn 3.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu có gần 750 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn sở hữu gần 129 lần và nợ trái phiếu/vốn sở hữu gần 9 lần. Nghĩa là, tổng tài sản của SDIC là gần 97.000 tỷ đồng (gần 4 tỷ USD) và có hơn 6.500 tỷ đồng trái phiếu.

Tương tự, trong năm 2021, SDIC có vốn sở hữu gần 3.700 tỷ đồng và hệ số nợ/vốn sở hữu là hơn 21 lần. Nghĩa là tổng tài sản của SDIC gần 83.000 tỷ đồng và có hơn 6.500 tỷ đồng trái phiếu. Trong năm này, SDIC lỗ hơn 150 tỷ đồng.

sdic-1-1699855263.jpg
SDIC được biết đến là chủ đầu tư dự án Sài Gòn Bình An

Các số liệu này cho thấy nhiều điểm đặc biệt ở SDIC. Trước hết là quy mô thuộc hàng đầu Việt Nam trong ngành bất động sản. Tính đến cuối quý 2/2023, tài sản của doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam là Vinhome (VHM) ở mức hơn 390.000 tỷ đồng, của doanh nghiệp đứng thứ hai là Novaland gần 260.000 tỷ đồng. Như vậy, SDIC có quy mô tài sản đứng thứ ba ở Việt Nam.

Dù có quy mô thuộc top đầu, nhưng SDIC vẫn miệt mài thua lỗ qua nhiều năm và âm vốn chủ sở hữu vào cuối quý 2/2023. Vì SDIC chưa phải là công ty đại chúng nên thông tin chi tiết về hoạt động kinh doanh chưa được công bố. Nhà đầu tư cũng khó hiểu với vị thế đó, SDIC đã làm gì mà mang về kết quả đáng thất vọng như vậy.

Đáng lo hơn là SDIC đang đối mặt với nguy cơ phá sản, khi âm cả vốn chủ sở hữu. Vấn đề của SDIC là tài sản hình thành chủ yếu từ nợ, nợ từ trái phiếu vẫn còn hơn 6.500 tỷ đồng. Khi SDIC phá sản, số tiền mà các trái chủ cho doanh nghiệp này vay coi như mất trắng. Dù trong các báo cáo gần đầy, SDIC đều trả lãi trái phiếu đều đặn hơn 160 tỷ đồng mỗi năm.

SDIC liên quan gì đến Techcombank?

SDIC được thành lập vào tháng 4/1999. Trụ sở chính hiện nay ở tại số nhà A3, đường số 5, khu dân cư 10 ha, khu phố 3, phường An Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM. Hoạt động chính của SDIC là đầu tư, xây dựng nhà các loại bao gồm sân golf, dịch vụ thể dục thể thao, dịch vụ vui chơi giải trí… Người đại diện pháp luật kiêm Phó tổng Giám đốc là ông Nguyễn Hồng Phong.

SDIC được biết đến là chủ đầu tư dự án Sài Gòn Bình An (tên thương mại là The Global City). Dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An có quy mô hơn 117 ha gồm khu nhà ở 22 ha và khu liên hợp sân golf rộng 92 ha. Doanh nghiệp này định hướng phát triển dự án trở thành một khu đô thị sinh thái hiện đại với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại bậc nhất TP.Thủ Đức. Tháng 3/2021, sau hơn 20 năm triển khai, dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An đã được khởi công. Đơn vị phát triển dự án là Masterise Homes (thuộc Masterise Group).

Với tình hình thua lỗ liên tục, có vẻ SDIC vẫn chưa thu được lợi ích gì từ dự án đang triển khai. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng là đơn vị nợ thuế nhiều nhất tại TP.HCM. Theo Cục thuế TP.HCM, trong năm 2022, SDIC nợ thuế gần 580 tỷ đồng.

sdic-2-1699855324.png
Đến cuối năm 2022, TCBS ghi nhận đang nắm giữ gần 3.200 tỷ đồng trái phiếu của SDIC

Đến nay, SDIC vẫn còn nợ trái phiếu hơn 6.500 tỷ đồng. Một đơn vị mua nhiều trái phiếu của SDIC là Công ty CP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS). TCBS là công ty con của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank). Đến cuối năm 2022, TCBS ghi nhận đang nắm giữ lượng trái phiếu chưa niêm yết là hơn 6.300 tỷ đồng, trong đó có gần 3.200 tỷ đồng là trái phiếu của SDIC. Đến cuối quý 2/2023, khoản trái phiếu chưa niêm yết của SDIC tại TCBS giảm về còn gần 1.800 tỷ đồng. TCBS không thuyết minh chi tiết, chỉ ghi là trái phiếu chưa niêm yết khác.

Đáng chú ý, Techcombank và TCBS cũng là đại diện tài chính đứng phía sau những đợt huy động vốn khoảng 1 tỷ USD rót vào Sài Gòn Bình An trong năm 2021.

Cụ thể, cuối năm 2021, SDIC phát hành gần 6.600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, đơn vị tư vấn và đại diện trái chủ là TCBS. Vào tháng 7/2021, Công ty Osaka Garden phát hành thành công 3.400 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ. Đến tháng 10/2021, ba doanh nghiệp gồm: Công ty CP Osaka Garden; Công ty CP Hoàng Phú Thịnh và Công ty CP Hoàng Phú Vương đồng loạt công bố phát hành thành công 11.200 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ. Đến tháng 10/2021, Osaka Garden phát hành thêm một lô trái phiếu với trị giá 4.300 tỷ đồng.

Các đợt phát hành trên đều do TCBS tư vấn và tài sản thế chấp (các lô đất thuộc dự án Sài Gòn Bình An) được Techcombank nhận đảm bảo. Riêng SDI phải thế chấp thêm một số tài sản tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Tổng giá trị các đợt phát hành trên, nhằm rót vốn vào Sài Gòn Bình An, là hơn 22.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD).

Vì sao Techcombank và TCBS lại hỗ trợ hết sức cho dự án Sài Gòn Bình An?

Xâu chuỗi các thông tin, nhà đầu tư có thể thấy rằng, SDI – chủ dự án trên, đã được Masterise Group mua lại. Đồng thời, Masterise Group là nhà phát triển bất động sản thuộc hệ sinh thái của Techcombank.

Còn nhớ, đầu năm 2022, Masterise Group đã công bố thông tin liên quan đến kế hoạch phát triển dự án Sài Gòn Bình An với tên gọi mới là The Global City. Masterise cũng cho biết mình là chủ mới của dự án khủng này. Theo đó, tháng 5/2022, hai vị trí đứng đầu SDIC đổi thành người thuộc hệ sinh thái Masterise Group, là bà Mai Thị Kim Oanh (Chủ tịch SDI) và bà Bùi Thị Hải Hà (Tổng giám đốc SDI).

Tại Masterise Group, giữ vị trí chủ tịch là bà Đỗ Tú Anh. Bà cũng là Giám đốc chi nhánh miền Nam của TCBS. Ngoài ra, bà Nguyễn Hương Liên (sinh năm 1985) cũng từng làm đại diện phần vốn góp tại 6 công ty con của Masterise Group. Bà Liên chính là em dâu của ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank. Chồng bà Liên - ông Hồ Anh Ngọc, từng giữ chức phó chủ tịch Masteries Group trong giai đoạn 2011 – 2012.

Trong đại hội cổ đông Techcombank hồi tháng 4/2023, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho biết không cho Masterise Group (hệ sinh thái của Techcombank) vay vốn đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, trên thực tế, lời khẳng định này khó làm cho các cổ đông Techcombank tin tưởng.

Tính trong năm 2021 và 2022, 7 công ty thuộc hệ sinh thái Masterise Group đã huy động gần 33.000 tỷ đồng từ trái phiếu, phần lớn đổ vào dự án Global City. Ngoài 4 doanh nghiệp kể trên, còn có Công ty CP WorldWide Capital, Công ty CP Air Link, Công ty CP Xây dựng Kiến Hưng Thịnh.

Liên quan đến các vấn chúng tôi đã liên hệ Techcombank nhưng không nhận được phản hồi từ ngân hàng này.

Chính vì cho vay bất động sản lớn nên nợ xấu của Techcombank đang tăng mạnh. Theo Công ty Chứng khoán DSC, nợ xấu của Techcombank trong quý 3/2023 tăng hơn gấp đôi và ở mức 1,4%. Nợ xấu của ngân hàng này đến từ cho vay bất động sản và ngành liên quan (chiếm hơn 70% tổng dư nợ). Do đó, Trong trường hợp thị trường bất động sản không có sự khởi sắc trong năm 2024, nợ xấu của Techcombank có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh.