Phú Yên sẽ hình thành 3 trung tâm logistics đến năm 2030

Phạm Thạch
Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 định hướng, tỉnh Phú Yên sẽ phát triển các trung tâm logistics gắn với cảng hàng không Tuy Hòa, bến cảng Vũng Rô, bến cảng nước sâu Bãi Gốc và cảng cạn ICD Đông Hòa…

Theo đó, đến năm 2030, tỉnh Phú Yên sẽ phát triển 3 trung tâm logistics, gồm: Trung tâm logistics tại Đông Hòa và cảng cạn (ICD) phục vụ bến cảng Vũng Rô và bến cảng bãi Gốc; Trung tâm logistics phía Tây thành phố Tuy Hòa (trạm trung chuyển); Trung tâm logistics Sông Cầu gắn với các khu công nghiệp Sông Cầu.


Yêu cầu đặt ra đối với tỉnh Phú Yên là tập trung phát triển dịch vụ logistics gắn với cảng hàng không Tuy Hòa, bến cảng Vũng Rô và bến cảng nước sâu Bãi Gốc, cảng cạn ICD Đông Hòa trên cơ sở tập trung cải thiện các dịch vụ lưu kho nội địa, các dịch vụ giá trị gia tăng và cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không; hình thành các trung tâm logistics gắn với các đô thị lớn của tỉnh và các khu công nghiệp trên địa bàn…

phu-yen3-1709098221.jpg
Phú Yên sẽ hình thành 3 trung tâm logistics. Ảnh minh hoạ

Trước đó, ngày 1/7/2021, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Kế hoạch số 120/KH-UBND về phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.


Theo đó, mục tiêu là phát triển dịch vụ logistics để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; xây dựng và từng bước hoàn thiện hạ tầng về cảng biển, kho bãi, giao thông vận tải, thông tin, các trung tâm logistics; thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics một cách đồng bộ, hợp lý.


Tỉnh Phú Yên ưu tiên bố trí dịch vụ hậu cần logistics phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đồng thời hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo phương châm: hiện đại, chuyên nghiệp nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường…


Về đầu tư hạ tầng logistics, tỉnh Phú Yên sẽ tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng kho bãi và ứng dụng mới trong logistics; xây dựng các trung tâm logistics tại khu kinh tế Nam Phú Yên, các khu, cụm công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả tính kết nối giữa tỉnh Phú Yên với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; đầu tư xây dựng, nâng cấp Cảng tổng hợp Vũng rô đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các tỉnh khu vực Tây Nguyên.


Cũng theo Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phú Yên được định hướng phát triển theo phương châm 1 mũi nhọn; 2 hành lang; 3 trụ cột, khu vực phát triển; 4 nhiệm vụ trọng tâm, 5 đột phá phát triển. Cụ thể:


1 mũi nhọn là du lịch được định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên.


2 hành lang động lực phát triển bao gồm Hành lang ven biển Bắc - Nam gắn với trục Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển. Đây là khu vực có tiềm năng phát triển lớn nhất về đô thị, công nghiệp, du lịch và nuôi trồng thủy, hải sản (du lịch ở phía Bắc, công nghiệp ở phía Nam, TP. Tuy Hòa là trung tâm phát triển tổng hợp).


Hành lang Đông - Tây gắn với trục Quốc lộ 25 và 29) gắn phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh, hình thành vùng chuyên canh lớn; bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ logistics...


3 trụ cột phát triển gắn với các ngành, lĩnh vực quan trọng gồm ngành công nghiệp; ngành dịch vụ và ngành nông nghiệp (nông, lâm nghiệp và thủy sản).


Trong đó, ngành công nghiệp phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh như luyện kim; lọc, hóa dầu; sản xuất năng lượng; hóa chất; chế biến nông, lâm, thủy sản; cơ khí - chế tạo; sản xuất sản phẩm gắn công nghệ số).


Ngành dịch vụ bao gồm du lịch lấy du lịch nghỉ dưỡng biển đảo làm chủ đạo, phát triển theo hướng cao cấp, chuyên biệt; phát triển dịch vụ logistics gắn với cảng hàng không Tuy Hòa, bến cảng Vũng Rô và bến cảng nước sâu Bãi Gốc, cảng cạn ICD Đông Hòa; đầu tư vào các ngành dịch vụ có tiềm năng như tài chính - ngân hàng, dịch vụ y tế, giáo dục kỹ năng...


Cùng với 3 ngành quan trọng trên, tỉnh Phú Yên quy hoạch 3 khu vực trọng điểm phát triển các ngành này.


Theo đó, khu vực trọng điểm phía Bắc phát triển du lịch, kinh tế biển; trong đó thị xã Sông Cầu được xác định là trung tâm dịch vụ và du lịch phía Bắc Phú Yên.


Khu vực trọng điểm phía Nam phát triển công nghiệp (gồm luyện kim, lọc, hóa dầu, hóa dược, các ngành năng lượng sạch…) cảng biển, du lịch. Trong đó, khu vực Đông Hòa là trung tâm công nghiệp, hậu cần; TP.Tuy Hòa là đô thị trung tâm, với phía Bắc ưu tiên phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu vực tập trung các cơ sở giáo dục - đào tạo cấp vùng.


Khu vực trọng điểm phía Tây phát triển thương mại dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, các vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến và phát triển du lịch. Trong đó, thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) và Hai Riêng (huyện Sông Hinh) trở thành đầu mối giao thương với các tỉnh khu vực Tây Nguyên.


4 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm cải cách hành chính chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả; huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực nhất là đất đai; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.


5 đột phá chính là trọng tâm ưu tiên phát triển của tỉnh Phú Yên bao gồm (1) hạ tầng giao thông; (2) Khu kinh tế Nam Phú Yên với hạt nhân là phát triển cảng nước sâu Bãi Gốc và Khu công nghiệp Hòa Tâm; (3) chuỗi đô thị ven biển với trung tâm là TP. Tuy Hòa mở rộng (4) một số cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc tế và y tế chất lượng cao; (5) hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, xã hội số.