Cụ thể, khu vực lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính thị trấn Nham Biền và các xã: Yên Lư, Cảnh Thụy, Tiến Dũng. Ranh giới được giới hạn phía Bắc giáp chân núi Nham Biền và sông Thương; phía Tây và Nam giáp sông Cầu và thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh; phía Đông giáp xã Đức Giang và xã Tư Mại
Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 4.378 ha; dân số dự kiến đến năm 2030 khoảng 60.000 người, đến năm 2045 dân số khoảng 90.000 người. Về tính chất, đây là khu đô thị cửa ngõ phía Nam, đầu mối giao thông quan trọng kết nối với các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh. Khu đô thị sáng tạo và sản xuất, cực phát triển kinh tế mới của đô thị Bắc Giang với không gian đô thị sinh thái hấp dẫn và hiện đại.
Theo thiết kế đô thị, thiết kế cảnh quan các khu vực trọng tâm, trọng điểm, dọc các trục đường chính, các khu vực không gian mở, các công trình điểm nhấn. Khu vực trọng tâm trọng điểm được xác định là trung tâm giáo dục và đào tạo, trung tâm sản xuất công nghiệp công nghệ cao, các khu vực cầu cảng nơi giao thương với các tỉnh lân cận bằng đường thủy là các không gian mang tính đặc trưng, động lực phát triển chính ở khu vực phía Nam của thành phố.
Các trục đường chính được xác định là các tuyến đường tỉnh 398, trục Bắc Nam 1,2 (theo QHC) được xác định là vừa là tuyến giao thông kết nối liên vùng vừa là trục chính đô thị, ưu tiên phát triển công trình cao tầng, trục nối liền các khu chức năng trọng tâm, trọng điểm khu vực,...
Hệ thống không gian mở dự kiến là các khu vực công viên lớn, khu vực cảnh quan ven sông Thương, sông Cầu, khu vực vườn ươm, khu sinh thái nông nghiệp được kết nối đan xen trong các khu vực dân cư hiện hữu tạo nên các tuyến, diện tích xanh giảm thiểu các tác động đến môi trường.
Đối với các không gian ở mới quy định về mật độ, tầng cao xây dựng, hình thức kiến trúc gắn kết với các khu chức năng đô thị phù hợp định hướng tính chất của khu đô thị, hài hòa thống nhất với các khu ở hiện có.