Đây là doanh nghiệp môi trường nhưng quá trình hoạt động xảy ra nhiều vi phạm về đất đai, môi trường, xây dựng.
Liên tục phát hiện vi phạm về môi trường
Công ty CP Môi trường Thiên Thanh chuyên thu gom, xử lý và tái chế chất thải công nghiệp thông thường, nguy hại. Công ty đã được Bộ Tài nguyên và môi trường (TNMT) phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường, được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư và giao đất từ năm 2014. Quá trình hoạt động, người dân có nhiều đơn thư phản ánh.
Phó giám đốc Sở TNMT Trần Trọng Toàn cho hay, thời gian qua, nhiều cơ quan chức năng của Trung ương, của tỉnh vào cuộc kiểm tra, làm việc và chỉ ra không ít tồn tại của công ty về môi trường.
Đó là cuối năm 2019, công ty ký hợp đồng tiêu hủy hàng tấn thuốc tây và nguyên liệu sản xuất thuốc cho một doanh nghiệp có nhà máy tại tỉnh Bình Dương, nhưng thay vì tiêu hủy, số thuốc và nguyên liệu này lại được bán ra bên ngoài. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh vào cuộc kiểm tra, sau đó vì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đã hết nên năm 2022, UBND tỉnh có quyết định yêu cầu công ty khắc phục hậu quả.
Công ty CP Môi trường Thiên Thanh hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý, tái chế chất thải công nghiệp thông thường và nguy hại. Công ty được cấp giấy phép môi trường gần nhất là năm 2023 với công suất thu gom, xử lý chất thải nguy hại không vượt quá 32,6 ngàn tấn/năm. |
Cũng liên quan đến vấn đề môi trường, cuối năm 2023, từ phản ánh của người dân, Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Nam thuộc Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã lập đoàn khảo sát tại công ty. Quá trình làm việc cho thấy, công ty đang vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa có văn bản thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm, chưa phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh để kiểm tra, giám sát. Công ty chưa lắp đặt các đồng hồ đo lưu lượng đầu ra, đầu vào; chưa tổng hợp lượng chất thải lỏng đã thu gom về hệ thống xử lý, chất thải lỏng nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất đưa về hệ thống xử lý. Nhà máy chưa tuần hoàn nước thải sau xử lý, không có bể ứng phó sự cố nước thải…
Đối với hệ thống xử lý khí thải của lò đốt chất thải số 2 và hệ thống xử lý khí thải khu vực tái chế chì chưa vận hành thử nghiệm, công ty chưa có sổ nhật ký vận hành, chưa ghi chép đầy đủ thông tin của quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý khí thải; chưa triệt để thu gom khí thải từ khu vực tái chế chì; chưa có hệ thống xử lý khí thải, phá dỡ ắc quy chì thải. Tại hệ thống tái chế chì có một nhà xưởng tận thu chì nhưng không có trong hồ sơ môi trường…
Khi các vi phạm nói trên đang được xem xét, đánh giá xác định các hành vi vi phạm thì công ty lại chôn lấp chất thải.
Phó trưởng phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Phạm Ngọc Hà thông tin, cuối tháng 3-2024, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) kiểm tra đột xuất và phát hiện doanh nghiệp này chôn lấp hàng tấn chất thải cả thông thường và nguy hại. Cụ thể, tại khu B, cơ quan công an thu 12 mẫu chất thải, trong đó có 1 mẫu nguy hại khối lượng 645kg, 11 mẫu chất thải thông thường khối lượng hơn 2,2 tấn. Hiện số chất thải này được làm trưng cầu giám định. Sau khi có kết quả, cơ quan chức năng xác định mức độ vi phạm và đề xuất hình thức xử lý theo quy định.
Đất đai, xây dựng cũng có vấn đề
Không chỉ liên tục vi phạm về môi trường, nhà máy của công ty này cũng chưa tuân thủ các quy định về quản lý và sử dụng đất, xây dựng.
Về đất đai, Phó giám đốc Sở TNMT Trần Trọng Toàn thông tin, vào tháng 7-2024, sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành làm việc với đại diện công ty xác minh, làm rõ dấu hiệu vi phạm. Quá trình làm việc, sở ghi nhận vi phạm về đất đai của công ty chủ yếu tại khu B của nhà máy (khu vi phạm chôn lấp chất thải). Cụ thể, khu vực này có tổng diện tích hơn 7,2 ngàn m², trong đó có 3,6 ngàn m² đã hoàn tất thủ tục đất đai, còn 3,6 ngàn m² sử dụng đất không đúng quy định (đất hộ gia đình cá nhân thuộc quyền quản lý địa phương, có cả một phần đường dân sinh).
Cũng theo Sở TNMT, thời điểm phát hiện vi phạm về đất đai này trùng với thời điểm Luật Đất đai năm 2013 sắp hết hiệu lực, Chính phủ đang hoàn thiện nghị định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai thay thế quy định cũ. Hiện đã có quy định mới, sở đang rà soát, đánh giá các hành vi vi phạm để xem xét xử lý hoặc đề xuất cơ quan thẩm quyền xử lý.
Về xây dựng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Tấn Lộc cho hay, tại khu B của nhà máy có tồn tại công trình xây dựng không phép, không phù hợp với mục đích sử dụng đất. Vào năm 2021, công ty có nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng, có tất cả 22 hạng mục công trình. Quá trình xây dựng, sở có đi kiểm tra một lần, sau đó nghiệm thu 7 công trình theo thẩm quyền. Các công trình còn lại chưa xây dựng hoặc thuộc thẩm quyền nghiệm thu của chủ đầu tư.
Vào tháng 7-2024, khi kiểm tra phát hiện công ty xây dựng 3 kho với tổng diện tích 2,5 ngàn m² nhưng chưa được cấp phép, trong đó có kho hơn 900 m² không phù hợp với mục đích sử dụng đất, có kho chứa không thể hiện trong giấy phép môi trường đã được cấp.
Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Kim Phước cho rằng, liên quan đến hoạt động của công ty có nhiều tồn tại đã được các cơ quan chức năng chỉ ra nhưng chưa có quyết định xử phạt nào được ban hành và công ty vẫn đang hoạt động. Cũng theo ông Phước, cần phải làm rõ trách nhiệm tuân thủ pháp luật của công ty; trách nhiệm quản lý nhà nước trong kiểm tra, giám sát, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định. Các sở, ngành liên quan khẩn trương xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm, tồn tại đã được chỉ ra, tránh để vụ việc kéo dài, ảnh hưởng đến môi trường và người dân sinh sống xung quanh.