Tình hình trong nước cũng diễn biến với những thuận lợi và khó khăn đan xen. Tăng trưởng trong quý I năm 2024 của cả nước đạt 5,66%, đây là mức tăng cao nhất cùng thời điểm trong giai đoạn 2020-2023.
Tuy vậy, dự báo tăng trưởng cả năm của cả nước chỉ ở mức 6%. Điều này cho thấy khả năng tăng trưởng trong các quý còn lại của năm 2024 sẽ không cao. Song nếu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tiếp tục tăng cao và tiêu dùng trong nước được thúc đẩy bằng các giải pháp phù hợp như duy trì lãi suất thấp, ổn định lạm phát, kích cầu tiêu dùng… thì mục tiêu tăng trưởng đặt ra sẽ trong tầm với.
Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, khắc phục.
Bối cảnh quốc tế, trong nước ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế Hải Dương. Trên cơ sở đánh giá, nhận diện tình hình, tỉnh đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng sát thực tế nhằm tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, nỗ lực đạt kết quả cao nhất.
Trong đó sự kiên định mục tiêu và quyết liệt trong điều hành, thực hiện các giải pháp đồng bộ để phát triển kinh tế-xã hội của cấp ủy, chính quyền là yếu tố cốt lõi để Hải Dương gặt hái được những kết quả tích cực, toàn diện trong 6 tháng đầu năm 2024. Tỉnh tăng cường thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đầu tư công để lấy đà dẫn dắt đầu tư tư… Từ đó, tạo ra động lực mới phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
6 tháng đầu năm 2024, Hải Dương xây dựng kịch bản tăng trưởng đạt 8,22% nhưng thực tế tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 10%. Với kết quả này, tỉnh đứng thứ 7 cả nước sau các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Bắc Giang, Khánh Hòa, Trà Vinh, Hà Nam, Thanh Hóa; đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng sau tỉnh Hà Nam và TP Hải Phòng.
Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh ước tăng 3,52%, đứng thứ 26 cả nước. Hoạt động chăn nuôi, thủy sản nổi bật với mức tăng tích cực, lần lượt là 6,1 và 6,8%. Năng suất cây trồng vụ đông và lúa đông xuân đều tăng cao so với năm trước. Điểm trừ của khu vực này là sản lượng vải quả giảm tới 21,8%.
Khu vực công nghiệp, xây dựng 6 tháng đầu năm 2024 của Hải Dương ước tăng 13,71%, đứng thứ 8 cả nước. Khu vực này tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của những tháng cuối năm 2023. Trong lĩnh vực công nghiệp, các ngành tăng trưởng khá đồng đều. Chỉ có 2 trong số 36 ngành giảm là sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị. 2 ngành này chỉ chiếm 3,5% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Hoạt động xây dựng tăng trưởng tương đối cao do tỉnh tích cực triển khai các dự án đầu tư công ngay từ đầu năm.
Khu vực dịch vụ của tỉnh ước tăng 6,9%, đứng thứ 25 cả nước, trong đó quý II tăng hơn 7%, cao hơn quý I/2024 nhưng thấp hơn quý IV năm trước. Nguyên nhân do tiêu dùng dân cư tăng thấp hơn. Hoạt động tài chính, tín dụng, bảo hiểm tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản có khởi sắc hơn nhưng không đáng kể. Tác động lan tỏa từ lĩnh vực sản xuất để tăng tiêu dùng thường chậm hơn từ 3-6 tháng nên thời điểm 6 tháng đầu năm chưa thấy rõ tăng trưởng từ khu vực dịch vụ.