Theo đó, ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Sở Công thương tỉnh Bình Định chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương hoàn thiện phương án di dời các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Nhơn Bình, cụm công nghiệp Quang Trung (TP. Quy Nhơn) và cụm công nghiệp Gò Đá Trắng (TX. An Nhơn).
Sở Công thương tỉnh Bình Định trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp: Bùi Thị Xuân (phần mở rộng) thuộc thành phố Quy Nhơn; Tường Sơn (thị xã Hoài Nhơn); thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh).
Sở Công thương tỉnh cũng được giao nhiệm vụ rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện phương án phát triển cụm công nghệp trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030, báo cáo đề xuất UBND tỉnh trước ngày 10/4/2024.
Theo quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, trong thời gian tới Bình Định đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tăng tỷ lệ lấp đầy trong các khu công nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu chuyển đổi đất công nghiệp trong Khu kinh tế Nhơn Hội sang đất đô thị, dịch vụ.
Tỉnh cũng tập trung hoàn thành xây dựng, đưa vào hoạt động và mở rộng Khu công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ Becamex - VSIP Bình Định; hình thành vành đai công nghiệp Vân Canh - An Nhơn - Phù Cát;…
Bình Định đầu tư xây dựng mới Khu công nghiệp Tây Giang, huyện Tây Sơn; Khu công nghiệp phía Nam Quốc lộ 19, thị xã An Nhơn; Khu công nghiệp Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ; Khu công nghiệp Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn; Khu công nghiệp Vân Canh, huyện Vân Canh và tại các địa phương khác khi có điều kiện.
Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 15 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 6.714 ha.
Về phương án phát triển cụm công nghiệp, Bình Định tiếp tục đầu tư nâng cấp, tu sửa hạ tầng kỹ thuật bên ngoài để kết nối đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp; triển khai Đề án bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển cụm công nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên bố trí khoảng 50% diện tích phục vụ chế biến nông, lâm, thủy, hải sản trong cụm công nghiệp.
Bình Định sẽ hoàn thành di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp Quang Trung và Nhơn Bình (thành phố Quy Nhơn) và cụm công nghiệp Gò Đá Trắng (thị xã An Nhơn). Phát triển các cụm công nghiệp mới tại các địa phương khi có điều kiện.
Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 68 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 3.470 ha./.