Chỉ đạo quyết liệt của ngành Y tế
Thuốc, vật tư y tế, thiết bị khác được sử dụng trong ngành y là sản phẩm trực tiếp liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Việc mua sắm các mặt hàng đặc biệt này chủ yếu thông qua đấu thầu để đảm bảo chi tiêu ngân sách đúng luật, đúng giá cả. Thực tế thì vi phạm liên quan đến việc mua sắm những sản phẩm trên xảy ra không phải là hiếm.
Nhằm chấn chỉnh thực trạng này, tháng 9/2023, Bộ Y tế có công văn gửi các đơn vị thuộc và trực thuộc, các chương trình dự án trực thuộc Bộ về việc chấn chỉnh, tăng cường năng lực và hiệu quả công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu.
Theo Bộ Y tế, thời gian qua, các đơn vị y tế thực hiện việc đấu thầu, lựa chọn nhà thầu vẫn còn những thiếu sót, sai phạm trong công tác quản lý và tổ chức mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm y tế, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc.
Việc xây dựng và trình ban hành một số văn bản quy định về đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế còn bất cập, gây khó khăn, lúng túng cho chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu.
Bộ Y tế yêu cầu rà soát, chấn chỉnh công tác lập hồ sơ mời thầu, bảo đảm tính công khai, minh bạch, tránh tình trạng đưa ra các yêu cầu, các tiêu chí mang tính chất chủ quan, không bảo đảm tính cạnh tranh dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu đã gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/ND-CP của Chính phủ.
Bộ Y tế yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi về lựa chọn nhà thầu, đặc biệt với những gói thầu, dự án có ít nhà thầu tham gia dự thầu và có tỷ lệ tiết kiệm thấp; những trường hợp một nhà thầu trúng nhiều gói thầu tại một đơn vị, một chủ đầu tư, một bên mời thầu trong thời gian dài. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Đáng chú ý là gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện công tác đấu thầu trong phạm vi phụ trách, đặc biệt người đứng đầu những cơ quan, đơn vị nhiều năm liền có tỷ lệ tiết kiệm đấu thầu thấp, có nhiều kiến nghị, khiếu nại, tố cáo phức tạp. Nguời đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc, xử lý tình huống theo các quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, khắc phục tình trạng né tránh, không tham mưu, không đề xuất, đùn đẩy trách nhiệm.
Không chỉ riêng văn bản trên của Bộ Y tế mà nhìn vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có thể thấy, hoạt động đấu thầu đã được quy định cụ thể nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp, phòng, chống sai phạm. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có không ít thủ đoạn móc ngoặc, bắt tay giữa chủ đầu tư với đơn vị tham gia đấu thầu khiến cho công tác đấu thầu càng trở nên méo mó.
Chênh lệch giá thiết bị trong gói thầu
Những vụ án liên quan đến sai phạm về đấu thầu gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước liên tục được đưa ra trước pháp luật trong thời gian gần đây. Hệ quả của tình trạng này là không đảm bảo tính công bằng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động đầu tư, làm thui chột động lực phát triển, suy giảm lòng tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, làm méo mó chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Công luận ghi nhận nhiều vụ việc nhà thầu có hành vi gian lận hồ sơ dự thầu, những vụ việc này đang có chiều hướng gia tăng một cách đáng báo động. Để góp một phần tiếng nói về hoạt động này, Tạp chí Doanh nghiệp và Đầu tư đã khảo sát thực tế tại nhiều gói thầu trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, có các gói thầu về mua với với nhiều bài viết phản biện có tính tổng hợp, chuyên sâu, chỉ rõ những lát cắt trong thực thi pháp luật về hoạt động đấu thầu góp phần xây dựng môi trường minh bạch, thượng tôn pháp luật trong công tác này.
Quá trình khảo sát các gói thầu trong lĩnh vực y tế, Tạp chí Doanh nghiệp và Đầu tư ghi nhận tại gói thầu: “Cung cấp và lắp đặt thiết bị công nghệ thông tin” chủ đầu tư là Bệnh viện Nhi đồng 2, gói thầu này được hoàn thành vào ngày 27/10/2023, đơn vị trúng thầu là: Công ty Cổ phần Đầu tư Tin học Đồng Lợi, giá trị trúng thầu là: 13.196.755.700 VND/giá gói thầu 14.660.213.355 VND, giá của một số thiết bị trong danh mục hàng hóa trúng thầu chênh lệnh nhiều so với giá hàng hóa tương tự đang bán trên thị trường.
Cụ thể, mã ký hiệu: Thiết bị chuyển mạch trung tâm Malaysia/China, C9500-24Y4C-A, Cisco: giá trúng thầu là 654.308.600 đồng/1 bộ. Trên trang Ciscochinhhang.com của Công ty CP Công nghệ Intersys Toàn Cầu có già là 518.4000.000 đồng/1 bộ, trên trang Anbinh.net của Công ty TNHH Mạng viễn thông An Bình có giá bán là 518.4000.000 đồng/1 bộ. Như vậy, với 2 bộ được mua thì chênh lệch khoảng 260.000.000 đồng.
Thiết bị chuyển mạch nhánh Malaysia/China, C9200L-48T-4X-E, Cisco : giá trúng thầu là 123.504.700 đồng/bộ. Trên trang Thietbimangcisco.vn của Công ty CP Phát triển Công nghệ Hợp Nhất có giá 66.163.920 đồng/1 bộ; trên trang Thietbimang.com có giá là 66.200.000 đồng/1 bộ. Với 10 bộ được mua thì chênh lệch khoảng 570.000.000 đồng.
Bộ lưu điện China, OLS10000ERT6UM, CyberPower: giá trúng thầu là 79.200.000 đồng/bộ. Theo báo giá ngày 4/9/2024 của Công ty CP giải pháp Vtech có giá là 51.700.000 đồng/1 bội. Với 2 bộ được mua thì giá trúng thầu chênh lệch với giá thị trường khoảng 55.000.000 đồng.
Như vậy, chỉ với 3 mặt hàng/12 mặt hàng mà của gói thầu này thì giá trị chênh lệch so với giá trên thị trường đã lên khoảng gần 885.000.000 đồng.
Với gói thầu của Bệnh viện Nhi Đồng 2 có giá trị lớn, có mặt hàng chênh lệch so với giá thị trường lên đến 100%. Đây là một dấu hỏi cần được làm rõ, để đảm bảo tính công khai, minh bạch mà Luật Đấu thầu đã quy định.
Dẫu biết giá cả thị trường có thể thay đổi theo thời gian, tuy nhiên, đây vẫn là một con số đáng phải suy ngẫm, đặc biệt khi so sánh với quy định của pháp luật liên quan đến đấu thầu. Điều này khiến dư luận hoài nghi về tính minh bạch trong công tác tổ chức đấu thầu cũng như việc ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công có được hiệu quả hay không, đặc biệt là đầu tư cho lĩnh vực y tế.
Theo các chuyên gia về đấu thầu, doanh nghiệp trúng thầu còn phải chịu thêm một số chi phí liên quan, chủ đầu tư ở các khu vực khác nhau, chi phí logistic khác nhau… dẫn đến việc chênh lệch giá là không tránh khỏi. Tuy nhiên, sai số, chênh lệch giá chỉ cho phép trong giới hạn. Nếu số tiền bị chênh lệch quá lớn thì cần xem xét kiểm tra lại việc lập dự toán, lập hồ sơ yêu cầu và quá trình tổ chức đấu thầu đề làm rõ tránh thất thoát tài sản Nhà nước.
Việc công khai, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu là một trong những thước đo giá trị cho công tác đấu thầu, cũng là mục tiêu mà các quy định trong văn bản pháp luật về đấu thầu hướng tới, nhằm tạo một sân chơi bình đẳng cho các nhà thầu. Công tác lập kế hoạch đấu thầu, lập hồ sơ yêu cầu để thực hiện hoạt động đấu thầu là khâu cực kỳ quan trọng, trong đó, việc xác định giá cả hàng hóa đảm bảo đúng giá trị trường là nhiệm vụ rất quan trọng, nhằm đảm bảo việc hàng hóa được mua luôn thấp hơn hoặc bằng với giá thị trường tránh thát thoát ngân sách.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Cân (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội): "Thời gian qua, công tác đấu thầu trong các lĩnh vực đầu tư xảy ra nhiều sai phạm. Cơ quan thanh tra, điều tra phát hiện và đã xử lý với nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan. Nhiều người đã bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ... Bởi vậy, với những gói thầu có dư luận phản ánh, có dấu hiệu bất minh thì cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.”
Theo khoản 2, Điều 11, Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 quy định chi tết việc sử dụng vốn Nhà Nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan Nhà nước, đơn vị trực thuộc lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tỏ chức xã hội - nghề nghiệp, có quy định: Khi lập và xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần căn cứ vào ít nhất một trong các tài liệu sau:
a) Giá hàng hóa cần mua của ít nhất 3 đơn vị cung cấp hàng hóa khác nhau trên địa bàn để làm căn cứ xác định giá gói thầu; trong trường hợp không đủ 03 đơn vị trên địa bàn có thể tham khảo trên địa bàn khác đảm bảo đủ 03 báo giá;
b) Dự toán mua sắm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (gồm: chủng loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ, số lượng, đơn giá hoặc toàn bộ dự toán được bố trí để mua sắm một loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ trong năm);
c) Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá tài sản, doanh nghiệp thẩm định giá đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của Luật giá;
d) Giá thị trường tại thời Điểm mua sắm được tham khảo từ thông tin chính thống do các nhà cung cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố được khai thác qua mạng Internet;
đ) Giá của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 30 ngày.
Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì ghi rõ giá ước tính cho từng phần trong giá gói thầu.