Gian nan tìm nguồn vốn đầu tư 14km còn lại của đường vành đai 2 TP.HCM

Phạm Thạch
Được quy hoạch từ năm 2007 nhưng đến nay hơn 15 năm, dự án đường vành đai 2 thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vẫn chưa thể khép kín, chỉ mới hoàn thành, khai thác được 50km. Chiều dài 14km với 4 phân đoạn còn lại đang "án binh bất động", chờ nguồn vốn gần 33.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng cũng như tổ chức thi công.

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, đến nay đường vành đai 2 đã được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 50 km gồm đoạn tuyến Quốc lộ 1A, đoạn từ nút giao thông Gò Dưa đến ngã tư An Sương dài 13,5km; đoạn tuyến Quốc lộ 1A, từ ngã tư An Sương đến An Lạc dài 13,5km; đoạn tuyến theo đường Nguyễn Văn Linh dài 12,4km; đoạn tuyến từ nút giao Khu A đến Cầu Phú Hữu trên đường Võ Chí Công dài 11km. Hiện nay, Thành phố đang nghiên cứu để triển khai thực hiện đầu tư các dự án khép kín đường vành đai 2 với tổng chiều dài 14km còn lại gồm 4 đoạn, dự kiến được đầu tư trong giai đoạn từ đến năm 2030.

Cụ thể đoạn 1 từ cầu Phú Hữu - đường Võ Nguyên Giáp dài 3,5km, tổng mức đầu tư 9.328 tỷ đồng, trong đó tiền bồi thường giải phóng mặt bằng là 6.675 tỷ đồng. Dự án phân đoạn này được đầu tư theo ngân sách Thành phố, hiện nay Hội đồng thẩm định Thành phố đã thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự kiến hoàn thành việc lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong quý I/2024, thực hiện hoàn thành bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vào quý II/2025 để khởi công vào quý II/2025 và thi công, hoàn thành công trình trong quý IV/2026.

61c4138c0f68da36837920230914150514-1695090603.jpg
Đoạn 3 dự án vành đai 2 TP.HCM đang tạm dừng thi công do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Đoạn 2 có lộ trình từ đường Võ Nguyên Giáp - Phạm Văn Đồng dài 2,5km, tổng mức đầu tư 4.543 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 1.956 tỷ đồng. Dự án được đầu tư bằng ngân sách Thành phố, hiện đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Khó khăn của phân đoạn này là phương án dự kiến sử dụng nguồn vốn trung hạn tăng thêm giai đoạn 2021-2025 của Thành phố vẫn chưa cân đối, bố trí kế hoạch vốn để thực hiện.

Từ đó Sở GTVT kiến nghị Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố xem xét bố trí kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư thực hiện dự án. Trong trường hợp Thành phố chưa cân đối được nguồn vốn ngân sách, Sở GTVT kiến nghị UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án theo phương thức đầu tư khác ngoài vốn ngân sách Thành phố. Trên cơ sở đó, Sở GTVT sẽ báo cáo UBND Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án để triển khai thực hiện hoàn thành dự án trong giai đoạn từ nay đến năm 2027.

Trong khi đó, đoạn 3 dự án đường vành đai 2 có lộ trình từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, dài 2,7km, tổng mức đầu tư 1.135 tỷ đồng. Riêng chi phí giải phóng mặt bằng là 1.410 tỷ đồng, được lập dự án riêng. Hiện dự án đang triển khai theo hình thức BT với giá trị hợp đồng hơn 2.765 tỷ đồng.

Mặc dù đã và đang triển khai nhưng dự án phân đoạn này đang gặp nhiều vướng mắc, đang chậm tiến độ, khởi công từ tháng 12/2017 nhưng đến nay chỉ đạt khoảng 44%. Công trình đang tạm dừng thi công từ tháng 3/2020 do khó khăn trong thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và chưa hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư.

Về bồi thường giải phóng mặt bằng, đến nay UBND thành phố Thủ Đức đã bồi thường, hỗ trợ được 442/467 hồ sơ với diện tích 18,588/20,69ha (đạt tỷ lệ 89,8%), đã bố trí tái định cư cho 81 trường hợp đã thu hồi mặt bằng; chưa thu hồi mặt bằng 75/467 hồ sơ với diện tích 3,847ha.

Về tiến độ giải ngân, giá trị nhà đầu tư đã tạm ứng, thanh toán phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư là hơn 960 tỷ đồng; giá trị khối lượng thi công đến nay đạt khoảng 448 tỷ đồng, chi phí lãi vay (tạm tính) là 725 tỷ đồng. Dự kiến tiến độ thực hiện hoàn thành giải phóng mặt bằng năm 2024, hoàn thành công trình năm 2025.

bddd91b9a25d77032e4c20230914150821-1695090654.jpg
Các dự án khép kín đường vành đai 2 TP.HCM.

Theo Sở GTVT TP.HCM, dự án thực hiện chậm so với kế hoạch do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng triển khai chậm, nhà đầu tư chưa được bàn giao mặt bằng để tiếp tục thi công công trình; chưa điều chỉnh dự án đầu tư để có cơ sở pháp lý điều chỉnh Hợp đồng dự án, chưa xác định thủ tục để thanh toán quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư theo Hợp đồng BT đã ký.

Để tháo gỡ khó khăn cho dự án tại phân đoạn này, Sở GTVT kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tham mưu đẩy nhanh việc điều chỉnh dự án đầu; Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tham mưu đề thủ tục thanh toán các khu đất đối ứng cho nhà đầu tư theo Hợp đồng BT đã ký.

UBND thành phố Thủ Đức khẩn trương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, nhà đầu tư và các đơn vị liên quan đây nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho nhà đầu tư tổ chức thi công đảm bảo theo tiến độ dự án đã đề ra.

Trong khi đó, đoạn 4 dự án đường vành đai 2 có lộ trình từ Quốc lộ 1A đến đường Nguyễn Văn Linh dài 5,3km, tổng mức đầu tư 16.414 tỷ đồng, trong đó tổng giải phóng mặt bằng là 13.190 tỷ đồng , đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, hình thức đầu tư từ ngân sách Thành phố.

Hiện dự án đã cơ bản hoàn thành việc lập Hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo hình thức đầu tư công. Tuy nhiên hiện nay, Thành phố chưa dự kiến cân đối được nguồn vốn nên chưa có cơ sở để trình cấp thẩm quyền thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định.

Trong điều kiện nguồn vốn Ngân sách Thành phố còn hạn chế, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư dự án đường Vành đai 2 - đoạn 4 nhằm sớm khép kín đường vành đai 2, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị UBND Thành phố chấp thuận phương án phân kỳ đầu tư đường dự án này theo 2 giai đoạn trong thời gian từ 2023-2027. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính rà soát, cân đối nguồn vốn ngân sách Thành phố, tham mưu, đề xuất phương án bố trí kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện dự án.