Bình Thuận: Cần xử lý triệt để vấn nạn “cát tặc” lộng hành

Minh Tuấn
Ngang nhiên vào khai thác cát trên đất người khác, vận chuyển, tập kết cát trái phép tràn lan… là vấn nạn đang xảy ra tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân và xã Tân Phước, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận.

Ngang nhiên phá cây, trộm cát

Theo người dân phản ánh, khu vực giáp ranh giữa xã Tân Phước (thị xã La Gi) và xã Sơn Mỹ (huyện Hàm Tân) đang là điểm nóng trong việc khai thác cát trái phép. Thậm chí, một hộ dân phát hiện khu đất của gia đình bị trộm khai thác hàng nghìn khối cát nhưng khi trình báo đến địa phương thì không phát hiện được ai gây ra vụ việc.

Bình Thuận: Cần xử lý triệt để vấn nạn “cát tặc” lộng hành
Khu đất của ông Hóa bị khai thác trộm hàng nghìn mét khối cát

Ông Nguyễn Lạc Hóa (ngụ tại Bình Dương) là chủ thửa đất 11, tờ số 8, thôn Phước Tiến, xã Tân Phước trình bày, gia đình ông mua đất tại xã Tân Phước từ năm 2020 khoảng hơn 3ha đã trồng cây tràm.

Do tuổi cao nên ông về ở cùng con tại Bình Dương. Tuy nhiên, thời gian vừa qua trên mảnh đất của ông, nhiều đối tượng đã ngang nhiên dùng máy xúc, máy bơm, xe tải vào phá cây, khai thác hàng nghìn khối cát tạo nên những hố sâu giữa khu đất. Gia đình ông đã nhiều lần trình báo đến cán bộ xã tuy nhiên vẫn không ngăn cản được tình trạng này.

Sau đó, ông Hóa có đơn gửi lên các cấp chính quyền để xem xét, điều tra, xử lý nghiêm đối tượng xâm phạm chủ quyền, khai thác tài nguyên trái phép, trộm cắp tài sản…

Ngày 31/8, ông Dương Thế An, Chủ tịch UBND xã Tân Phước, thị xã La Gi cho biết, tình trạng "cát tặc" trên địa bàn xã diễn ra từ năm 2022 và đã được UBND xã xử lý triệt để. Khu vực phản ánh giáp với xã Sơn Mỹ, UBND xã sẽ cho kiểm tra. Việc vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn là không có bởi các tuyến đường ra vào xã đều được gắn camera giám sát.

Chủ tịch UBND xã Tân Phước chia sẻ thêm, vì địa phương tiếp giáp nhiều xã, lực lượng mỏng nên tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn rất nóng. Ngay cả ngày nghỉ lễ, cán bộ xã vẫn phải túc trực. Tuy nhiên, để bắt được một vụ khai thác cát trái phép rất vất vả khi nhiều đối tượng theo dõi và báo đồng bọn trước khi cán bộ xã vào kiểm tra.

Các vụ việc trước đây, cán bộ xã phải cải trang, mật phục nhiều ngày mới bắt được đối tượng khai thác trái phép và thu giữ phương tiện máy móc về xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 6/9, cán bộ UBND xã Tân Phước đã vào kiểm tra tại mảnh đất của ông Hóa và nhận thấy không còn khai thác. "Tôi sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra khu vực này", Chủ tịch UBND xã Tân Phước cho hay.

Bình Thuận: Cần xử lý triệt để vấn nạn “cát tặc” lộng hành
Dấu vết khai thác cát tại khu đất của ông Hóa được phóng viên ghi nhận ngày 31/8

Mong muốn lực lượng công an vào cuộc

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Châu, Chủ tịch UBND xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, cho biết, tình trạng canh đường hay lực lượng rượt đuổi bên này các đối tượng lại chạy sang xã khác, các khu vực “cát tặc” tập kết... lực lượng chức năng địa phương phải canh phục mới có thể phát hiện quả tang để xử lý.

UBND xã đã nhiều lần có văn bản đề nghị huyện tịch thu giấy phép kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) là nơi tập kết “cát lậu” mà các đối tượng dùng để hợp thức hóa. Tuy nhiên, sau khi kiến nghị thì huyện có thu hồi các giấy phép nhưng sau đó lại mọc lên nhiều bãi mới. Hiện UBND xã đã có kiến nghị UBND huyện chỉ đạo các ban chuyên môn phối hợp kiểm tra xử lý các trường hợp trên về hành vi sử dụng đất sai mục đích.

Trao đổi về việc xử lý các xe chở khoáng sản trái phép, Chủ tịch UBND xã Sơn Mỹ cho hay, đoạn từ xã Tân Phước qua tuyến đường liên xã Tân Sơn, Sơn Mỹ là thẩm quyền của công an; Thẩm quyền của xã chỉ xử lý ở các tuyến đường giao thông nông thôn… nên rất hạn chế.

Từ trước đến nay, UBND xã đã tổ chức phục kích nơi khai thác cát; Xe vận chuyển ra khỏi bãi là kiểm tra. Còn khi ra đường, các đối tượng "cát tặc" lại có cách chứng minh hóa đơn, chứng từ vì hóa đơn điện tử nên nhanh chóng xử lý được.

Bình Thuận: “cát tặc” lộng hành, manh động cần xử lý triệt để
Một điểm tập kết cát nằm tại thôn 1 xã Sơn Mỹ

Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Mỹ, hầu hết cát lậu được khai thác ở đoạn giáp ranh. Tình trạng "cát tặc" tại địa phương rất nóng nhưng vì lực lượng mỏng, thẩm quyền hạn chế nên chỉ bắt được một số trường hợp. Trong 8 tháng nay, xã Sơn Mỹ bắt được khoảng 30 vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép. Trong khi đó, thẩm quyền xử phạt của xã còn thấp nên tính răn đe chưa cao.

Chủ tịch UBND xã Sơn Mỹ lý giải việc xảy ra tình hình trộm cát xảy ra nhiều tại xã Sơn Mỹ, Tân Phước vì đất ở xã đâu cũng là cát, chỉ cần múc xuống là có cát. Trong khi đó, tại địa phương có nhiều đường nhưng là đường độc đạo nên rất dễ chặn bắt. Tuy nhiên, các đối tượng vận chuyển lòng vòng qua nhiều ngõ hẻm, rồi cho người canh chừng lực lượng chức năng để khai thác trộm cắp khoáng sản.

Ông Châu cho hay, để chặn bắt các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép, trước đây, lực lượng chức năng của xã đã phải "nằm nấp" tại khu vực trước khi các đối tượng hoạt động khai thác cát lậu. Chủ tịch UBND xã Sơn Mỹ kiến nghị, để chấm dứt tình trạng này, lực lượng công an phải vào cuộc, quay camera, phạt nguội...

Bình Thuận: “cát tặc” lộng hành, manh động cần xử lý triệt để
Một điểm tập kết cát trên địa bàn xã Sơn Mỹ

UBND xã cũng đã phối hợp với công an và bắt được nhiều vụ nhưng muốn xóa bỏ triệt để thì phải truy tố, xử lý hình sự, tịch thu phương tiện của các đối tượng. Bởi khi lực lượng chức năng của xã bắt được vận chuyển cát lậu nhưng thẩm quyền xử phạt chỉ tới 2 triệu đồng, không đủ sức răn đe nên không xử lý dứt điểm được tình trạng trên.

“Hiện xã Sơn Mỹ đã thành lập 4 tổ chốt chặn 24/24 giờ tại các ngả đường để kiểm tra, kiểm soát. Còn người dân không thể chống lại với các đối tượng khai thác cát lậu này đâu, thậm chí rào khu đất lại để trồng cây cũng bị phá…”, Chủ tịch UBND xã Sơn Mỹ bức xúc.

Nhiều tổ chức bị phát hiện nhưng chưa xử lý dứt điểm

Năm 2021, UBND xã Sơn Mỹ đề nghị UBND huyện Hàm Tân đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các công ty, cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn. Đứng đầu danh sách là Công ty TNHH Phương Nam có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh 1 tại thôn 1 và chi nhánh 2 tại thôn 3 thuộc xã Sơn Mỹ do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cấp.

Công ty này đã bị UBND huyện Hàm Tân ban hành 2 quyết định xử phạt về hành vi sử dụng đất sai mục đích. Tuy nhiên, từ khi nhận quyết định xử phạt, công ty này không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Hiện tại, điểm kinh doanh tại kho bãi số 2 (thuộc thôn 3, xã Sơn Mỹ) vẫn được một số đối tượng khai thác trái phép đưa cát về bán.

Bình Thuận: “cát tặc” lộng hành, manh động cần xử lý triệt để
Các bãi cát tự phát "nở rộ" trên địa bàn xã Sơn Mỹ bất chấp việc UBND xã kiến nghị kiểm tra, xử phạt

Ngoài Công ty Phương Nam, trong danh sách trên còn có Công ty TNHH Nguyễn Hữu Tiến; Cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD) Minh Tâm 2; VLXD Xuân Du; VLXD Quang Khải; VLXD Gia Bảo; VLXD Đức Liễu; VLXD Thái Sơn…

Năm 2022, UBND xã có báo cáo gửi UBND huyện Hàm Tân về hàng loạt cửa hàng VLXD có vi phạm như: Công ty TNHH SX DV TM Long Thái Việt có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chi nhánh 2 tại thôn 3 xã Sơn Mỹ đã bị UBND huyện ra Quyết định xử phạt hành chính số 161 ngày 23/9/2021 về vi phạm quy định sử dụng đất nông nghiệp để làm bãi kinh doanh VLXD.

Qua theo dõi, địa điểm kinh doanh này là nơi một số đối tượng sử dụng phương tiện cơ giới khai thác cát trái phép đưa về bán; Mặt khác vị trí kinh doanh này là địa điểm thuận lợi cơ sở này tổ chức khai thác cát trái phép từ những khu vực xung quanh để về tập kết và hợp thức hóa hóa đơn chứng từ, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý về lĩnh vực khoáng sản của UBND xã.

Ngoài Công ty Long Thái Việt, Công ty TNHH Nguyễn Hữu Tiến có tình trạng tương tự. Bên cạnh đó, các cửa hàng VLXD đang hoạt động trên địa bàn có dấu hiệu vi phạm như: VLXD Gia Bảo, VLXD Xuân Du, VLXD Lê Văn Tân, VLXD Đức Sang, VLXD Phạm Anh Tuấn… cũng bị UBND xã kiến nghị UBND huyện kiểm tra thu hồi giấy phép hoạt động.