Ngoài 13 KCN đang hoạt động, tỉnh có KCN Dầu khí Long Sơn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; 2 KCN đang làm thủ tục đầu tư; 7 KCN vừa được thêm vào quy hoạch.
Theo ông Lê Viết Phúc, Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu việc quy hoạch các khu công nghiệp nằm trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa quan trọng và định hình không gian phát triển cho một trong bốn trụ cột kinh tế của Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, gần sân bay Long Thành và Đồng Nai, TP.HCM, tỉnh này có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp.
Thời gian gần đây, địa phương này đang hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối để tăng sức cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo Quy hoạch tỉnh, định hướng Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển trục kinh tế động lực công nghiệp - cảng biển Cái Mép - Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và QL51.
Dựa trên vùng chức năng đã được xác định rõ, ngoài 2 KCN tại Vũng Tàu (Đông Xuyên và dầu khí Long Sơn) và Đất Đỏ (Đất Đỏ 1), toàn bộ vùng phát triển KCN của tỉnh sẽ nằm tại Phú Mỹ và Châu Đức.
Cùng với đó, dọc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 4, TP Hồ Chí Minh hình thành trục kinh tế động lực công nghiệp - logistics; phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ; hình thành các KCN công nghệ cao, đô thị dịch vụ mới tại Cù Bị và Suối Nghệ (Châu Đức); khu logistics dọc Vành đai 4; các trung tâm logistics cấp tỉnh tại huyện Châu Đức.
Đặc biệt tỉnh sở hữu cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, đứng thứ 19 thế giới (Cảng Cái Mép - Thị Vải). Là trung tâm trung chuyển quốc tế, độ sâu luồng đến 16m, có thể tiếp nhận tàu quốc tế với trọng tải hơn 200,000 DWT.
Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện chiếm hơn 16% tổng lượng hàng hóa xếp dỡ qua cảng biển toàn quốc và 35% lượng hàng container cả nước, 50% lượng hàng container khu vực phía Nam.
Các khu công nghiệp sẽ thu hút đầu tư có chọn lọc với các ngành công nghiệp nghệ cao như: điện - điện tử, sản xuất robot, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, trí tuệ nhân tạo; sản xuất phương tiện vận tải; dược phẩm. Đồng thời tập trung thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ, hình thành các trung tâm logistics.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 13 KCN đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng. Hết năm 2023, tỉnh cấp mới chủ trương đầu tư 30 dự án, lũy kế đến ngày 15/12/2023, các KCN của tỉnh có 570 dự án đầu tư còn hiệu lực.
Trong đó, nguồn vốn trong nước 286 dự án, tổng trị giá hơn 141 ngàn tỷ đồng và hơn 1 tỷ USD; đầu tư nước ngoài 284 dự án, vốn 13,855 tỷ USD.
Trong đó, có nhiều dự án lớn từ Thái Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản… Tổng diện tích đất thuê khoảng 3.425ha, đạt tỷ lệ lấp đầy số KCN đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng 66,63%.
Việc nguồn vốn năm 2023 tăng trưởng tốt về cả chất và lượng so với năm trước, nổi bật như KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 thu hút được dự án sản xuất sợi carbon sử dụng công nghệ cao của Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) với vốn đăng ký 540 triệu USD là tín hiệu tốt, cho thấy Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang tiếp tục là điểm đến ưa thích của nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới.