Để tạo điều kiện, động lực để phát triển các khu, cụm công nghiệp, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ phát triển công nghiệp gắn với tăng trưởng bền vững.
Cụ thể, tỉnh đã đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng cầu Mạc Đĩnh Chi kết nối thành phố Sóc Trăng với vùng kinh tế ven biển trọng điểm của tỉnh; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường trục phát triển kinh tế từ thành phố Sóc Trăng qua cầu Dù Tho đến vùng kinh tế trọng điểm tôm - lúa tỉnh Sóc Trăng; Dự án Tuyến đê bao ngăn mặn và đường phục vụ an ninh, quốc phòng, ứng cứu tàu thuyền vùng biển huyện Trần Đề (Đường tỉnh 934B)…
Ngoài ra, tỉnh cũng đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án giao thông có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo đến năm 2025 đưa vào khai thác sử dụng như: Dự án thành phần 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1…
Bên cạnh đó, tỉnh đã thành lập “Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp”. Đây là một bước đi hiệu quả để hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư vào khu công nghiệp. Tỉnh còn tổ chức đối thoại với doanh nghiệp ít nhất 2 lần/năm. Gần đây nhất, tỉnh tổ chức gặp mặt, cà phê sáng cùng doanh nghiệp vào ngày thứ Bảy đầu tiên của tháng, để nắm tình hình hoạt động, lắng nghe, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận thông tin, nghiên cứu khảo sát thực địa để làm cơ sở đăng ký thực hiện các dự án hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tập trung phát triển nguồn nhân lực; đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội… để các nhà đầu tư, doanh nghiệp an tâm khi đầu tư tại Sóc Trăng.
Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện công tác rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phục vụ cho phát triển công nghiệp như: Định hướng phát triển cụm công nghiệp, quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung, vùng sản xuất chuyên canh trồng cây nông nghiệp, các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung phục vụ chế biến đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp chế biến. Phát triển công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ, phát triển vùng nguyên liệu, liên kết phát triển chuỗi sản phẩm, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của cụm công nghiệp.
Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đã điều chỉnh nội dung của Nghị quyết số 03 để không còn cấm đầu tư và xây dựng nhà máy sản xuất công nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp và khu kinh tế mà chỉ cấm đầu tư các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Việc này giúp tháo gỡ được rào cản trong việc thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm công nghiệp tại Sóc Trăng.
Nghị quyết 03 đặt mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2025 phấn đấu có 4 khu công nghiệp mới và 5 cụm công nghiệp mới được đầu tư xây dựng cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật để đi vào hoạt động. Đến năm 2030 (tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 995/QĐ-TTg, ngày 25/8/2023), toàn tỉnh có 10 khu công nghiệp với diện tích 4.334ha; 18 cụm công nghiệp với diện tích 983,6ha và nghiên cứu phát triển, thành lập Khu kinh tế ven biển Trần Đề dọc theo cửa biển Trần Đề và vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng, quy mô dự kiến khoảng 40.000ha.
Tuy nhiên đến nay toàn tỉnh hiện chỉ có 2 khu công nghiệp là An Nghiệp và Trần Đề. Khu Công nghiệp An Nghiệp (với diện tích rộng 243ha) đã thu hút được 64 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 8.771 tỷ đồng (trong đó FDI chiếm trên 2.200 tỷ đồng); số vốn đã thực hiện là 7.776 tỷ đồng (vốn FDI là 1.965 tỷ đồng), đạt 88,6% tổng vốn đăng ký đầu tư. Diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 183ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 97%.
Khu Công nghiệp Trần Đề được thành lập tháng 7/2020 và triển khai xây dựng hạ tầng vào tháng 10/2022. Đến cuối năm 2023, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã được xây dựng đạt gần 80%, gồm các hạng mục giao thông, vỉa hè, cống thoát nước, cây xanh, điện chiếu sáng, cấp điện, cấp nước. Riêng khối lượng san lấp mặt bằng đất công nghiệp cho thuê thực hiện còn thấp. Dự kiến đến quý II/2024 sẽ đảm bảo các điều kiện thiết yếu để tiếp nhận các dự án đầu tư thứ cấp. Tiến độ này chậm chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên do trong quá trình thực hiện, phát sinh một số vấn đề vướng mắc liên quan đến việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ, thủ tục xây dựng bến tạm... Còn lại các khu công nghiệp: Mỹ Thanh, Đại Ngãi, Sông Hậu còn đang trong quá trình lập quy hoạch và thu hút đầu tư.
Trong các cụm công nghiệp được quy hoạch, đã thành lập 5 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 202,5ha, gồm các cụm công nghiệp: Ngã Năm (diện tích 44,88ha), Xây Đá B (diện tích 53,9ha dự kiến mở rộng lên 75ha), An Lạc Thôn 1 (diện tích 32,1ha), An Lạc Thôn 2 (diện tích 21,62ha), Xây Đá B mới (diện tích 50ha). Trong số đó, có 2 cụm công nghiệp giao cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (Xây Đá B, Xây Đá B mới), trong khi đó có 3 cụm công nghiệp giao ban quản lý cấp huyện làm chủ đầu tư gồm: Ngã Năm, An Lạc Thôn 1, An Lạc Thôn 2. Trong tổng số cụm công nghiệp đã được thành lập, có 2 cụm công nghiệp đã có dự án thứ cấp (Ngã Năm, An Lạc Thôn 1), 1 cụm công nghiệp đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật (Xây Đá B), 1 cụm công nghiệp đang làm thủ tục chuyển đổi đất lúa sang đất công nghiệp và thực hiện giải phóng mặt bằng (Xây Đá B mới), số cụm công nghiệp còn lại đang thực hiện kêu gọi đầu tư.
Hiện tại số khu, cụm công nghiệp đã được thành lập vẫn chưa đạt được mục tiêu theo chỉ tiêu của Nghị quyết 03 do việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vẫn còn gặp một số khó khăn. Do đó, tỉnh cần phải có những giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến mặt bằng và các thủ tục pháp lý (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép môi trường...), đặc biệt là sự phối hợp của các sở, ban ngành tỉnh và địa phương trong phát triển khu, cụm công nghiệp trong thời gian tới.