Tầm nhìn đại dương

Phạm Thạch
Phát triển kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu là chìa khóa dẫn tới thịnh vượng của nhân loại trên Trái đất. Để vươn ra biển lớn, chúng ta phải thay đổi “tâm thế lục địa” bằng “tầm mắt đại dương".
Quy hoạch Không gian biển Quốc gia là công cụ quan trọng hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về biển theo cách tiếp cận tổng hợp​ Quy hoạch Không gian biển Quốc gia là công cụ quan trọng hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về biển theo cách tiếp cận tổng hợp

Với vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng, điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên phong phú và đa dạng, tiềm năng phát triển kinh tế biển để làm giàu, đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển là rất lớn. Tuy vậy, để chuyển từ tiềm năng thành hiện thực, phát triển kinh tế biển bền vững, cân bằng sinh thái, giữ biển trong lành và an toàn cho nhiều thế hệ mai sau là bài toán lớn cần có lời giải đồng hành với việc tổ chức thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.

Việt Nam tự hào là một quốc gia biển. Biển ôm suốt chiều dài đất nước với hơn 3.000km bờ biển. Ngoài biển, có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ và hơn 1.000.000km2 lãnh hải thuộc chủ quyền, dân tộc Việt Nam. Từng dựa vào thế biển để làm nên bao kỳ tích chống ngoại xâm (những trận chiến nơi biên ải biển Vân Đồn của tướng lĩnh nhà Trần… đường Hồ Chí Minh thần kỳ trên biển); đã từng đánh thắng những trận thủy chiến lớn nhưng vẫn không có nổi chiến thuyền tầm cỡ, không có thuyền buôn lớn vượt biển. Đó là những nghịch lý trong suốt hành trình lịch sử người Việt mở mang bờ cõi. Và cho đến tận thế kỷ 20, đứng trước biển bao la "cảm hứng đại dương" để vươn ra biển vẫn chưa thành hiện thực đối với nước ta.

Bước sang thế kỷ 21, trong công cuộc đổi mới, Việt Nam thay đổi tư duy "lấy đất liền nuôi biển", chuyển sang "lấy biển nuôi đất liền". Cũng ở đó, “thế trận tiến ra đại dương” đã hình thành các mũi xung kích, song điều còn trăn trở là các kế sách ấy cần một “tổng chỉ huy” tài năng và sự phối hợp nhịp nhàng của rất nhiều đầu mối khác nhau. Bởi lẽ, kinh tế biển đến nay mới chỉ có một số quy hoạch của từng ngành liên quan. Các tỉnh ven biển có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, nhưng các ngành, lĩnh vực liên quan đến biển chưa được thiết kế cụ thể, còn thiếu tính hệ thống ở tầm quốc gia.

Chính vì thế, mới tồn tại nhiều nghịch lý là chúng ta giàu tiềm năng, lợi thế từ biển đảo, nhưng do phương thức khai thác, quản lý kém hiệu quả nên chưa giàu và mạnh từ biển, gây lãng phí lớn về tài nguyên và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Mặc dù, nhận thức về vai trò biển đảo đã rõ, nhưng nhận thức cụ thể cho đúng tầm trong từng giai đoạn phát triển còn nhiều trăn trở. Tiến ra biển không thể chỉ là khát vọng mà còn là khả năng. Khai thác tiềm năng tài nguyên từ đồng bằng đã rất khó khăn và cần nhiều tiền của, trí tuệ, sức lực; khai thác tài nguyên từ biển còn cần nhiều hơn thế.

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Nghị quyết số 36/NQ-TW được đánh giá là chủ trương lớn, thể hiện tầm nhìn dài hạn của Việt Nam về khai thác hợp lý các nguồn lực từ biển để phục vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước. Có một chiến lược biển đúng đắn chính là cơ sở và điều kiện để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của biển đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là sự ghi nhận một bứt phá trong sự nghiệp phát triển đất nước trên tiến trình chủ động hội nhập đang đi vào chiều sâu.

Gần đây nhất, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch Không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 lần đầu tiên được lập ở nước ta, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế nhưng có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.

Quy hoạch Không gian biển Quốc gia là công cụ quan trọng hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về biển theo cách tiếp cận tổng hợp; là quy hoạch mang tính khung, tổng thể, tích hợp, đa ngành, động và mở, dẫn dắt; cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển, nhất là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quyết sách đã có, tầm nhìn đã rõ. Hôm nay, ra khơi xa như một mệnh lệnh. Không ra khơi xa, không bắt được "cá lớn". Để triển khai hết gân sức kéo căng cánh buồm thời đại, đón gió đại dương phải dám nhìn lại mình, biết rũ bỏ những yếu kém của chính mình. Đấy là bản lĩnh của người biết chủ động đón nhận thách thức, biến thách thức thành vận hội để đưa đất nước bứt lên.

Đầu tư cho con tàu lớn, hiện đại chạy trên đại dương sẽ luôn giành được những nguồn lợi lớn gấp nhiều lần đoàn thuyền đánh cá ven bờ. Và tất nhiên, nền kinh tế biển mạnh càng đảm bảo chắc chắn cho công cuộc giữ vững chủ quyền, an ninh quốc phòng trên biển.

Với tâm thế ấy, có phải thế chăng mà lịch sử chưa bao giờ đứt đoạn, dù đã trải bao thăng trầm biến cố. Hôm nay, thế hệ con cháu Lạc Hồng đang viết tiếp những trang vẻ vang của một Việt Nam với bao bộn bề lo toan trong hội nhập - một Việt Nam ba phần tư là biển.