Hiện Khu công nghiệp Biên Hòa 1 có 76 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động với hơn 21 ngàn lao động. Trong đó, lao động làm trong DN FDI là trên 6 ngàn người và làm việc tại các DN trong nước hơn 15 ngàn người, độ tuổi của NLĐ chủ yếu từ 30 tuổi trở lên
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 có nhiều DN đã hoạt động từ lâu, NLĐ đã có nhiều năm làm việc và đang có cuộc sống ổn định tại TP.Biên Hòa. Do đó, khi DN di dời đến địa điểm mới, NLĐ không thể đi theo, vì khó khăn trong việc đi lại, nơi ở...Trong trường hợp nghỉ việc, lao động cũng khó tìm được việc làm mới do đã lớn tuổi.
Đối với các DN cũng gặp khó khăn về chi phí tuyển dụng, đào tạo NLĐ mới trong trường hợp công nhân cũ nghỉ việc. Ngoài ra, DN phải chi một khoản tiền lương để trả trợ cấp thôi việc đối với công nhân không tiếp tục làm việc với DN tại địa điểm mới.
Đối với NLĐ tiếp tục làm việc, DN phải chi trả tiền lương ngừng việc trong thời gian di dời; đồng thời, khi đi vào hoạt động, để giữ chân NLĐ, các DN phải có thêm các khoản hỗ trợ nhà ở, đi lại mới có thể thu hút NLĐ tiếp tục làm việc. Từ những khó khăn trên, rất cần các chính sách để đảm bảo việc làm cho NLĐ và nguồn lực sản xuất cho DN khi chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1.
Để hỗ trợ NLĐ và DN khi Khu công nghiệp Biên Hòa 1, UBND tỉnh giao Sở LĐ-TBXH chủ trì phối hợp Sở Tài chính và các đơn vị liên quan khác tham mưu UBND tỉnh các giải pháp liên quan chi phí hỗ trợ đời sống NLĐ và ổn định sản xuất, chi phí đào tạo nguồn nhân lực để trình HĐND tỉnh xem xét thông qua.