Gương mặt thân quen
Theo dữ liệu, cuối năm 2023, Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Phong Phú (Công ty Phong Phú) có sự thay đổi nhân sự ở thượng tầng khi ông Nguyễn Ngọc Quang không còn là Tổng giám đốc của doanh nghiệp này. Người thay vị trí của ông Quang là ông Trần Tấn Hồng Cương, hiện là Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn Kita Group. Ông Trần Tấn Hồng Cương đồng thời là người đại diện pháp luật mới của Công ty Phong Phú.
Vào ngày 3/11/2023 tại văn phòng Kita Group đã diễn ra buổi bàn giao công việc giữa người bàn giao là ông Nguyễn Ngọc Quang, nguyên Tổng giám đốc Công ty Phong Phú và người nhận bàn giao là ông Phạm Minh Tuấn (đại diện ủy quyền của ông Trần Tấn Hồng Cương) về nhận bàn giao công việc đã và đang triển khai đến thời điểm ngày 3/11/2023 của Công ty Phong Phú, trong đó có các nội dung liên quan đến hồ sơ pháp lý doanh nghiệp và dự án đền bù, tái định cư, xây dựng cơ bản…dự án Khu công nghiệp Phong Phú.
Công ty Phong Phú được thành lập vào tháng 6/2001, cơ cấu cổ đông bao gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI) sở hữu 70% vốn điều lệ); Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) sở hữu 25% vốn điều lệ và Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) sở hữu 5% vốn điều lệ).
Một năm sau đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có quyết định phê duyệt chấp thuận Công ty Phong Phú làm chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Phong Phú trên địa bàn huyện Bình Chánh với quy mô 163,3 ha, tổng vốn đầu tư 436,5 tỷ đồng.
Đến năm 2014, dự điều chỉnh còn 134 ha, trong đó có 67ha là đất công nghiệp, 67ha còn lại có chức năng dịch vụ công nghiệp, siêu thị, bệnh viện, nhà ở chuyên gia…
Ở thời điểm tháng 3/2011, Công ty TNHH Bất động sản Hoa Lâm đã nhận chuyển nhượng 25% vốn của Sadeco, để trở thành cổ đông lớn tại Khu công nghiệp Phong Phú. Sau đó, Công ty TNHH Bất động sản Hoa Lâm đã đổi tên thành Công ty TNHH Bất động sản Hoa Phát.
Năm 2019, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh đã có kết luận thanh tra về Khu công nghiệp Phong Phú, trong đó chỉ ra sai phạm trong việc chuyển nhượng cổ phần từ Sadeco sang Công ty TNHH Bất động sản Hoa Phát gây thất thoát ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng. Đồng thời, Thanh tra thành phố đã chuyển vụ việc này sang cơ quan cảnh sát điều tra, đến nay vẫn đang chờ kết luận.
Trước thời điểm chuyển giao quyền lực tại Công ty Phong Phú, một nhà băng nhiều lần thông báo bán đấu giá không tách rời 18 khoản nợ được đảm bảo bằng quyền tài sản tại dự án Khu công nghiệp Phong Phú. Tổng dư nợ của khoản bán đấu giá này là gần 16.200 tỷ đồng, tính đến ngày 31/12/2021, trong đó dư nợ gốc là hơn 5.100 tỷ đồng, lãi tồn đọng là hơn 11.000 tỷ đồng, giá khởi điểm của khoản nợ là gần 8.000 tỷ đồng.
Sau rất nhiều lần tổ chức rao bán đấu giá các khoản nợ liên quan đến dự án Khu công nghiệp Phong Phú bất thành thì hiện 18 khoản nợ này không được đề cập trong danh mục các tài sản nợ cần thanh lý của ngân hàng này.
Trong thông tin công bố mới đây, nhà băng này cũng cho biết đã thu hồi gần 7.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn động lũy kế lên gần 95.000 tỷ đồng nhờ công tác thu hồi và xử lý nợ được thực hiện trong năm 2023.
Kita Group là một trong những cái tên xuất hiện trong thời gian gần đây trên lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là tại khu vực phía Nam. Năm 2018, Kita Invest (thành viên của Kita Group) đã đấu giá thành công khu đất hơn 60 ha thuộc dự án Khu dân cư Bình Thủy (kho 301), thành phố Cần Thơ với mức khởi điểm là 3.650 tỷ đồng, sau đó được đặt tên là Stella Mega City. Kita Group còn sở hữu tòa nhà FICO, sau đổi tên thành Stella Residence tại 927 Trần Hưng Đạo, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh…
Có thể thấy, Kita Group rất “bén duyên” với các khoản nợ xấu của ngân hàng từng liên quan đến ông Trầm Bê.
Chưa đền bù, tái định cư cho dân
Theo tìm hiểu, hiện dự án Khu công nghiệp Phong Phú vẫn còn nhiều diện tích đất chưa đền bù và chưa hoàn thành tái định cư cho nhiều hộ dân.
Tại văn bản bàn giao công việc nêu ở phần đầu thể hiện nội dung công việc còn phải thực hiện của dự án là thỏa thuận đặt cọc bồi thường cho 3 hộ dân, đồng thời, tiếp tục mua nền để hoán đổi cho 55 hộ dân còn lại với diện tích 14.000m² đất nền.
Mặt khác, tiếp tục thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2000 và các công việc để đền bù phần đất còn lại, trong đó có đền bù tiếp gần 12 ha của người dân và gần 8 ha đất công.
Đáng chú ý, hiện các bên liên quan đang chờ ý kiến của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về dự án Khu công nghiệp Phong Phú liên quan đến Kết luận thanh tra và cơ quan cảnh sát điều tra đang làm việc về việc chuyển nhượng cổ phần của Sadeco sang Hoa Phát.
Ở diễn biến liên quan, hiện nay người dân vẫn đang khiếu nại để đòi lại đất tại dự án sau hơn 20 năm mòn mỏi chờ đợi.
Bà P.T. H, người đang có đất tại dự án cho biết, hiện bà đang có 3.164 m2 đất nông nghiệp tại dự án. Trong khi đó, các bên liên quan cam kết sẽ hoán đổi gần 210 m2 đất nền tái định cư tại xã Phong Phú cùng số tiền là gần 1,4 tỷ đồng cho bà. Tuy nhiên, sau 18 năm chờ đợi tái định cư nhưng chủ đầu tư không giải quyết cho hộ gia đình, vì vậy, bà H. yêu cầu được trả lại toàn bộ 3.164 m2 đất nông nghiệp và quyền sử dụng đất này.
“Bao nhiêu năm nay chúng tôi sống vất vả, khó khăn do sai phạm tại Khu công nghiệp Phong Phú để lại và chúng tôi đã bị họ lừa gạt, chiếm đoạt tài sản. Thực tế và nghiêm trọng hơn, đất dự án là đất nông nghiệp chưa mua của người dân, chưa tái định cư cho người dân mà sao Ngân hàng Phương Nam (nay đã sáp nhập và đổi tên) lại thẩm định giá để cấp tín dụng cho Khu công nghiệp Phong Phú vay cao như vậy (tới hơn 5.000 tỷ đồng), là vi phạm nghiêm trọng trong việc cho vay của tổ chức tín dụng”, bà H. phản ánh.
Ngoài ra, hiện nay tại dự án Khu công nghiệp Phong Phú còn tồn tại hàng loạt công trình xây dựng trái phép, tranh chấp đất đai, tái chiếm đất...