Bộ TNMT sẽ thanh tra 14 đơn vị khai thác khoáng sản tại Lâm Đồng

Phạm Thạch
Thanh tra Bộ TNMT yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đôn đốc các tổ chức được phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn cung cấp hồ sơ và báo cáo theo hướng dẫn để phục vụ công tác thanh tra.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thanh tra 14 doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại Lâm Đồng, thuộc các huyện Lâm Hà, Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Đức Trọng, Đạ Huoai, Di Linh, Lạc Dương và TP.Bảo Lộc.

Thanh tra Bộ TNMT ngày 2/9 có văn bản gửi Sở TNMT nêu rõ, trong kế hoạch thanh tra năm 2023 được Bộ trưởng Bộ TNMT phê duyệt, có nội dung thanh tra việc cấp phép hoạt động khoáng sản không thông qua đấu giá và việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; việc chấp hành giấy phép hoạt động khoáng sản và cải tạo phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ khoáng sản tại Lâm Đồng.

Hồ sơ, tài liệu mà Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu cung cấp bao gồm: Giấy phép khai thác khoáng sản; Giấy phép gia hạn, chuyển nhượng; Quyết định phê duyệt thiết kế khai thác mỏ; Nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Bản đồ hiện trạng mỏ, Bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác; Báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, sản lượng khoáng sản đã khai thác, khối lượng còn lại (nguyên khối) từ khi cấp phép đến thời điểm báo cáo…

vi-pham-trong-khai-thac-khoang-san-1696386497.jpg
Với 10 hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản và đất đai, UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định xử phạt Công ty cổ phần Thắng Đạt với tổng số tiền 590 triệu đồng, nộp lại hơn 700 triệu đồng thu lợi bất hợp pháp.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường còn yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc lắp đặt trạm cân và hệ thống camera giám sát tại các kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan; việc tuân thủ các quy định của giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước được cấp…

Trước đó, ngày 22.11.2022, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có Quyết định số 3216/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2023 trong đó có nội dung thanh tra việc cấp phép hoạt động khoáng sản không thông qua đấu giá và việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; việc chấp hành giấy phép hoạt động khoáng sản và cải tạo phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ khoáng sản tại tỉnh Lâm Đồng.

Ngày 29.5.2023, Thanh tra Bộ có công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng về việc đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác thanh tra.

Ngày 26.6.2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng có công văn gửi Thanh tra Bộ về việc cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ thanh tra. Tuy nhiên, hồ sơ, tài liệu do quý Sở cung cấp chưa đầy đủ theo yêu cầu.

Thực hiện nội dung trên, ngày 27/9/2023, Sở TNMT Lâm Đồng đã gửi văn bản yêu cầu 14 tổ chức được phép hoạt động khoáng sản gồm khai thác cát, đá xây dựng, sét gạch ngói, đất san lấp, cao lanh và bô xít,… cung cấp hồ sơ và báo cáo theo đề cương hướng dẫn của Thanh tra Bộ TNMT, gửi về Thanh tra Bộ trước ngày 3/10/2023.

Được biết, thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều doanh nghiệp bị xử phạt do hành vi khai thác khoáng sản trái phép.

Đầu tháng 7/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quyết định xử phạt Công ty cổ phần Thắng Đạt (đường Nguyễn Công Trứ, phường 8, TP.Đà Lạt) số tiền 590 triệu đồng, buộc phải nộp lại số tiền thu lời bất hợp pháp hơn 700 triệu đồng, đồng thời đình chỉ khai thác khoáng sản 6 tháng vì: không lập đầy đủ sổ sách, tài liệu liên quan để xác định số lượng khoáng sản khai thác thực tế các năm 2020, 2021 và 2022; không lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan; không lắp đặt trạm cân tại vị trí, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ; khai thác không đúng thông số của hệ thống khai thác.

Chiều 16/8, một lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định xử phạt Công ty cổ phần khoáng sản và vật liệu xây dựng Lâm Đồng (trụ sở tại đường Phù Đổng Thiên Vương, Phường 8, TP.Đà Lạt) số tiền hơn 400 triệu đồng đình chỉ hoạt động 4,5 tháng. Do vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản và đất đai.

Công ty này đổ thải không đúng vị trí đã xác định trong thiết kế mỏ; không nộp thiết kế mỏ điều chỉnh đã được phê duyệt cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản; chuyển hơn 10,4 nghìn m2 là đất sản xuất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm) tại khu vực nông thôn sang đất phi nông nghiệp để hoạt động khoáng sản (đất sản xuất vật liệu xây dựng) nhưng không được cấp thẩm quyền cho phép.

cong-ty-co-phan-khoang-san-va-vat-lieu-xay-dung-lam-dong-1692248911734571447949-1024x640-1696386552.jpg
Ngoài việc bị phạt 425 triệu đồng vì 5 hành vi vi phạm, Công ty CP Khoáng sản Vật liệu xây dựng Lâm Đồng còn phải nộp lại gần 869 triệu đồng thu lợi bất hợp pháp.

Đầu tháng 9/2023 vừa qua, 3 công ty đã bị xử phạt số tiền 720 triệu đồng vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện.

Ba công ty bị xử phạt gồm: Công ty cổ phần Năng lượng Lâm Hà (trụ sở chính tại xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà); Công ty cổ phần Thủy điện Trung Nam Krông Nô (trụ sở chính tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông) và Công ty TNHH sản xuất thương mại thiết bị điện và cơ khí Nhật Anh (trụ sở chính phường 3, TP.Đà Lạt).

Các công ty trên đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đưa hạng mục công trình hoặc công trình điện lực vào vận hành, sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ tiến hành thanh tra về tài nguyên môi trường việc khai thác khoáng sản trên diện rộng cả nước trong thời gian sắp tới.

Từ tháng 8/2023 tới nay, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã và đang tiến hành thanh tra toàn diện về tài nguyên môi trường việc khai thác khoáng sản của Công ty Núi Pháo tại tỉnh Thái Nguyên, gồm một số lĩnh vực: bảo vệ môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, đất đai.

Bộ TNMT đã yêu cầu Công ty Núi Pháo tự đánh giá toàn diện tác động tới môi trường, cuộc sống của người dân do các hoạt động của công ty gây ra, báo cáo chi tiết về quá trình thực hiện và các nội dung thay đổi về quy mô, công suất, công nghệ khai thác và chế biến so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Trên cơ sở kết luận của đoàn thanh tra, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu Công ty Núi Pháo thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu, xử lý, khắc phục các vấn đề môi trường do hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của công ty gây ra.