Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ đặc biệt coi trọng vấn đề phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là một trong 3 đột phá chiến lược được đẩy mạnh thực hiện bên cạnh cải cách, hoàn thiện thể chế và đào tạo nguồn nhân lực. Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã bố trí khoảng 400.000 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông và ĐBSCL được ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư các tuyến cao tốc.
Về tuyến đường sắt tốc độ cao nối từ TP. HCM tới Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ thông tin đã xin chủ trương và Bộ Chính trị đã đồng ý. Chính phủ đang triển khai dự án và đàm phán với các đối tác. Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là ưu tiên đầu tư dự án này.
Còn về đường sắt tốc độ cao nối Đông Nam Bộ với thủ phủ miền Tây được quy hoạch 10 năm trước, dài 174 km, đi qua Bình Dương, TP. HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Điểm đầu tuyến ở ga An Bình (TP. Dĩ An, Bình Dương), điểm cuối tại ga Cần Thơ (quận Cái Răng). Dự án được nghiên cứu với tổng mức đầu tư 9 tỷ USD, khổ đường 1.435 mm, tốc độ thiết kế lớn nhất 190 km/h. Gần đây, Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh thành mà tuyến đi qua khởi động trở lại dự án.
Ngoài ra, ĐBSCL còn có hai tuyến đường cao tốc chính được đẩy nhanh triển khai gồm: TP. HCM - Cà Mau (một số đoạn được khởi công vào tháng 6) và cao tốc trục Đông - Tây từ Sóc Trăng qua Cần Thơ, Hậu Giang đến An Giang.
Cơ hội thu hút đầu tư trong nước và quốc tế
Theo Thạc sĩ kinh tế công Lê Tiến Vũ, hạ tầng chưa xứng tầm với tiềm năng là nút thắt lớn nhất của ĐBSCL trong tăng trưởng kinh tế. Thực tế, trong những năm qua, Chính phủ cũng đã chú trọng nâng cấp hạ tầng giao thông cho khu vực, nhưng chưa khi nào được đầu tư mạnh mẽ như giai đoạn này.
Bên cạnh đó, việc phát triển và hoàn thiện hạ tầng giao thông sẽ gia tăng tính kết nối giữa các tỉnh thành trong vùng, mở rộng hành lang giao thương với TP. HCM và các vùng kinh tế khác; tạo thế cân bằng với Đông Nam Bộ, mở ra cơ hội thu hút đầu tư trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, hạ tầng giao thông phát triển sẽ giúp vùng ĐBSCL tối ưu hóa được các nguồn lực, phát huy lợi thế vốn, thúc đẩy phát triển đa ngành, bao gồm: công nghiệp, sản xuất, du lịch, thương mại, dịch vụ,… Điều này không chỉ tạo đột phá trong tăng trưởng kinh tế, mà còn tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, nâng cao mức sống cho người dân khu vực và ổn định an sinh xã hội.
Đối với bất động sản, theo ông Vũ, hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự tăng trưởng của ngành bởi hạ tầng đến đâu, giá trị nhà đất sẽ gia tăng đến đó. Ngoài ra, hạ tầng giao thông phát triển sẽ kéo theo sức bật của hạ tầng đô thị, tạo tiền đề hình thành nên những khu đô thị được quy hoạch bài bản, từ đó tạo giá trị bền vững cho lĩnh vực bất động sản.
Trong giai đoạn này, nguồn vốn đầu tư của Chính phủ dành cho ĐBSCL đang tập trung bố trí vào các tuyến cao tốc, trọng điểm là tuyến cao tốc TP. HCM – Cà Mau, cao tốc trục Đông – Tây đi qua An Giang - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng. Tất yếu thị trường bất động sản ở những địa phương này sẽ hưởng lợi trực tiếp và sớm sôi động trong giai đoạn cuối năm 2023 hoặc trễ nhất vào quý 1/2024.
ĐBSCL là 1 trong 7 vùng kinh tế lớn của cả nước với hơn 13 tỉnh thành, việc tập trung phát triển hạ tầng giao thông tại đây không chỉ thúc đẩy toàn vùng phát triển mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, nâng cao vị thế trên Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Link nội dung: https://kinhte24h.net.vn/dau-tu-ha-tang-giao-thong-tao-cu-hich-quan-trong-cho-vung-dbscl-a86.html