Trao đổi về những hạn chế, tồn tại, yếu kém, tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm, lãng phí nguồn lực… trong hoạt động quản lý đất đai, bất động sản tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 29/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, nguyên nhân đều liên quan đến Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở.
Vì vậy, Chính phủ đặt quyết tâm rất cao để trình Quốc hội cho phép 3 luật trên sớm có hiệu lực, nhằm giải quyết cơ bản những hạn chế, bất cập thời gian qua.
Phó Thủ tướng cho biết, ông đã chủ trì nhiều cuộc họp đóng góp ý kiến cho các nghị định hướng dẫn thi hành chi tiết Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố, các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội… nhằm thể chế hóa đầy đủ các nội dung trong luật giao cho Chính phủ hướng dẫn, thực sự đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng đang khẩn trương xây dựng các thông tư, quyết định có liên quan nhằm bảo đảm thực thi pháp luật được liên thông, đồng bộ khi luật có hiệu lực.
Về ý kiến cho rằng định giá đất là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, Phó Thủ tướng khẳng định, Luật Đất đai năm 2024 quy định rất rõ ràng, cụ thể, minh bạch, rõ trách nhiệm của các bên tham gia định giá đất đai.
Luật đã giải quyết bài toán định giá đất phù hợp, sát với giá thị trường với phương pháp định giá theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn khi hoàn thành cơ sở dữ liệu của từng thửa đất, từng thời điểm.
Còn trong giai đoạn chuyển tiếp, việc định giá đất đai được thực hiện theo 4 phương pháp đang được thế giới áp dụng (thu nhập, so sánh, thặng dư, hệ số điều chỉnh).
Về vấn đề đại biểu quan tâm là thiếu cát cho các công trình, dự án lớn, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng: "Đây không phải vấn đề lớn với đất nước chúng ta. Tuy nhiên nó diễn ra trong bối cảnh đồng loạt đẩy mạnh các dự án cao tốc, rất nhanh nên các địa phương không đáp ứng được".
Theo ông Hà, nếu tích cực thực hiện nghị quyết về cơ chế đặc thù của Quốc hội và hai nghị quyết điều hành của Chính phủ sẽ không còn khó khăn về cát.
Ông Hà cho biết: "Thủ tướng đã hai lần trực tiếp vào chỉ đạo, cá nhân ông cũng có 3 cuộc họp, thậm chí khảo sát tận nơi. Hiện nay mọi vấn đề đã được giải quyết theo 3 giải pháp.
Thứ nhất, tuyệt đối áp dụng các giải pháp cơ chế đặc thù mà Quốc hội, Chính phủ đã ban hành. Thứ hai, nắm sát nhu cầu theo tiến độ, công suất để điều hành. Thứ ba, mở rộng thêm các nguồn cung cát".
Link nội dung: https://kinhte24h.net.vn/pho-thu-tuong-luat-dat-dai-moi-giai-quyet-bai-toan-dinh-gia-dat-a807.html