Chính thức thông xe cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 26/4, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã chính thức thông tuyến, các phương tiện đã được di chuyển.

Bắt đầu từ  7 giờ sáng nay 26/4, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã được đưa vào khai thác, nối thông tuyến đường từ TPHCM đến TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) và đi TP Cam Ranh, TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo không có làn dừng khẩn cấp hai bên, mà bố trí các dải dừng khẩn cấp nằm dọc đường, cách quãng 4-5km/điểm. Dọc tuyến có 36 điểm dừng xe vuốt nối hình nêm hai đầu vào - ra.

Khi thông xe, chủ đầu tư cũng đưa vào sử dụng hai trạm dừng nghỉ tạm tại nút giao tỉnh lộ 709 (xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) nhằm phục vụ nhu cầu cấp bách của người đi đường trong khi chờ trạm dừng chân chính thức.

tm-img-alt Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5 km, đi qua tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận, bắt đầu cho xe lưu thông hai chiều từ 7h sáng 26/4. (Ảnh: Internet)

Tại trạm dừng nghỉ tạm, người đi đường được phục vụ wifi, phục vụ nước miễn phí, có nhà vệ sinh (được lắp máy điều hòa) và hai cây bán nước tự động.

Trên tuyến có 4 trạm thu phí gồm Cam Thịnh, Du Long, Phan Rang và nút giao Vĩnh Hảo. Dự kiến, công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên tuyến cao tốc này sẽ thực hiện từ ngày 2/5 tới.

Cao tốc có (ITS) dùng năng lượng mặt trời; cùng đội ngũ quản lý vận hành đồng bộ toàn tuyến. Camera giám sát lắp đặt dọc tuyến sử dụng công nghệ AI để phân loại phương tiện, nhận diện biển số, phát hiện, cảnh báo sự cố và vi phạm như chạy quá tốc độ, đi sai làn, ngược chiều... Hình ảnh phương tiện lưu thông được thu thập qua camera, truyền về trung tâm điều hành theo thời gian thực để phục vụ cứu hộ, cứu nạn, xử lý vi phạm.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thông xe giúp kết nối thông suốt toàn tuyến Nha Trang - TP.HCM (TP.HCM - Long Thành - Dầu giây, Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo, và Cam Lâm - Nha Trang) với tổng chiều dài gần 400km, rút ngắn thời gian đi lại tuyến TP.HCM - Nha Trang còn hơn 4 giờ so với khoảng 8 giờ lưu thông trên quốc lộ 1.

Theo phương án tổ chức giao thông, phương tiện không được đi trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo bao gồm xe chở chất độc hại, dễ cháy, vật liệu nổ; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế dưới 60 km/giờ, máy kéo, xe môtô, xe gắn máy…

Khi đưa vào vận hành, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được Cục Đường bộ Việt Nam giao Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) quản lý vận hành, bảo trì, đảm bảo việc vận hành khai thác an toàn, thông suốt. Cũng theo đơn vị vận hành, từ ngày 26/4, đơn vị sẽ phối hợp với cơ quan chức năng, hỗ trợ dữ liệu xe vi phạm trên cao tốc qua hệ thống camera giám sát để phạt nguội. Việc này nhằm hạn chế các vi phạm, góp phần bảo đảm an toàn trật tự giao thông qua tuyến.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được khởi công vào tháng 9/2021 với tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng. Điểm đầu tuyến tại Km54+00 kết nối với cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, điểm cuối tại Km134+00 kết nối với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Đoạn qua Khánh Hoà dài gần 5 km, Ninh Thuận dài 63 km và Bình Thuận dài gần 12 km.

Tuyến cao tốc đưa vào khai thác có 4 làn xe, mỗi bên 2 làn, cho phép ôtô chạy tốc độ tối đa 90 km/h, tối thiểu 60 km/h. Dự án được đầu tư theo hình thức PPP, do liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194 làm nhà đầu tư.

Link nội dung: https://kinhte24h.net.vn/chinh-thuc-thong-xe-cao-toc-cam-lam-vinh-hao-a801.html