May Sông Hồng giải trình thế nào về lợi nhuận năm 2023?

CTCP May Sông Hồng (HOSE: MSH) vừa công bố giải trình đối với số liệu kết quả hoạt động kinh doanh của công ty năm 2023.

Mới đây, Công ty cổ phần May Sông Hồng xin công bố giải trình đối với số liệu kết quả hoạt động kinh doanh tại Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trên Báo cáo tài chính năm 2023 chênh lệch với Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trên Báo cáo tài chính năm 2022 từ 10% trở lên như sau:

Nguyên nhân doanh thu và lợi nhuận của công ty năm 2023 giảm so cùng kỳ là do năm 2023, các đơn hàng của công ty giảm.

Vì vậy doanh thu năm 2023 giảm tương ứng với tỷ lệ giảm là 17.76%. Đồng thời các chi phí đầu vào tăng nên lợi nhuận của công ty năm 2023 giảm, tương ứng với tỷ lệ giảm là 27.37%.

may-song-hong-giai-trinh-the-nao-ve-loi-nhuan-nam-2023-1712024676.jpg
 

Vùa qua, MSH cũng thông báo Nghị quyết HĐQT về việc thông qua kết quả hoạt động SXKD và tình hình tài chính quý 4/2023 và cả năm 2023, bổ sung nội dung chương trình ĐHĐCĐ 2024. 

Theo đó ngày tổ chức đại hội cổ đông là 27/4 tại Hà Nội. 

Trong giai đoạn hiện nay, chuyên gia VPS đánh giá nhóm cổ phiếu dệt may sẽ chịu không ít tác động, đầu tiên là giá nguyên liệu vật liệu đầu vào bông, xơ, sợi hay vải sẽ ảnh hưởng tới chi phí doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp, dẫn tới ảnh hưởng tới thị giá cổ phiếu ngành dệt may.

Bên cạnh đó, chu kỳ sản xuất và sản phẩm dệt may sẽ thay đổi theo thời tiết khí hậu, phong tục tập quán và thị hiếu tiêu dùng. Khi nhu cầu thay đổi dẫn đến đơn đặt hàng thay đổi và ảnh hưởng tới doanh thu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn có những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh khác. Hiện Việt Nam đã tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, kết nối hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có các FTA thế hệ mới. Đó là những điều kiện thuận lợi để mở rộng cánh cửa thị trường cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dệt may.

Dệt may Việt Nam đã bứt phá về thị trường, mặt hàng xuất khẩu với 104 thị trường xuất khẩu với các thị trường mới như châu Phi, Nga, các nước đạo Hồi. Điều này cho thấy sự giảm dần phụ thuộc vào những thị trường lớn.

Chuyên gia VPS cũng lưu ý một số rủi ro đối với ngành dệt may như rủi ro về chuỗi cung ứng: chi phí vận tải tăng, chi phí đầu vào cao; rủi ro nghĩa vụ trả nợ còn cao; xu hướng xanh hóa, kinh doanh tuần hoàn diễn ra nhanh… Thị trường đối thủ cạnh tranh như Bangladesh – đã sớm áp dụng chuyển đổi xanh, cũng là một yếu tố tác động lên ngành dệt may.

Link nội dung: https://kinhte24h.net.vn/may-song-hong-giai-trinh-the-nao-ve-loi-nhuan-nam-2023-a767.html