Cocobay Đà Nẵng: 'Hàng nghìn tỷ huy động từ khách hàng đang ở đâu?'

(VNF) - Luật sư Nguyễn Công Tín đặt vấn đề, cơ quan điều tra cần vào cuộc, điều tra làm rõ Công ty Thành Đô có đưa thông tin gian dối trong quá trình huy động vốn hay không?. Số tiền hàng nghìn tỷ huy động từ khách hàng hiện nay đang ở đâu, được dùng vào mục đích gì?

Mới đây, chủ đầu tư của Dự án The Empire (thuộc Tổ hợp Cocobay Đà Nẵng, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô đã có thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng với khách hàng.

Theo thông báo này, Công ty Thành Đô yêu cầu khách hàng sẽ bàn giao toàn bộ giấy tờ pháp lý liên quan đến bất động sản, hiện trạng tài sản đã nhận theo biên bản bàn giao cho công ty trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, cũng như phối hợp với công ty để thanh lý hợp đồng mua bán.

Liên quan đến vấn đề này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Công Tín, Công ty Luật AMI, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng.

Dự án Cocobay hoang tàn nhiều năm qua. Ảnh: Phước Nguyên

- Ông nhìn nhận thế nào về hành động đơn phương chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư của chủ dự án Cocobay Đà Nẵng?

Luật sư Nguyễn Công Tín: Khi mới bắt đầu dự án, Cocobay Đà Nẵng được quảng bá rầm rộ là siêu dự án, tổ hợp giải trí hàng đầu Đông Nam Á. Chủ đầu tư đưa ra hoạt loạt chính sách hấp dẫn để mời chào các nhà đầu tư, khách hàng. Tuy vậy, đến nay có thể khẳng định rằng Công ty Thành Đô đã không thể thực hiện được các cam kết đó.

Mới đây nhất, ngày 12/3/2024, chủ đầu tư khiến khách hàng một lần nữa phải lao đao khi gửi đi hàng loạt thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng, yêu cầu khách hàng giao lại hồ sơ pháp lý, tài sản trong vòng 15 ngày. 

Tôi cho rằng, động thái này của Thành Đô là rất thiếu thiện chí, chưa kể trước đó chủ đầu tư đã nhiều lần vi phạm các cam kết với khách hàng như dừng trả lợi nhuận 12%, không giao được sổ hồng như cam kết tại hợp đồng.

Hệ quả của ngày hôm nay đã được dự báo và phản ánh qua quá trình triển khai dự án có nhiều sai phạm như: huy động vốn, mở bán sản phẩm khi chưa có đủ điều kiện, thu tiền khách hàng vượt quá mức pháp luật cho phép.

- Tại dự án này, Thành Đô đã thu số tiền khổng lồ từ hàng trăm, nghìn khách hàng... việc huy động vốn nhưng không thực hiện đúng cam kết... đã vi phạm điều gì theo pháp luật về kinh doanh bất động sản?

Luật sư Nguyễn Công Tín: Theo pháp luật về kinh doanh bất động sản và nhà ở, chủ đầu tư dự án phải có năng lực tài chính, việc huy động vốn phải bảo đảm tuân thủ pháp luật và chỉ được huy động, mở bán khi được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc điều tra, xử lý. Ảnh: Phước Nguyên

Tại khoản 4 Điều 19 Nghị định 99/2015/NĐ-CP còn quy định rất rõ, chủ đầu tư huy động vốn “phải sử dụng nguồn vốn đã huy động vào đúng mục đích xây dựng nhà ở tại dự án đó; nghiêm cấm chủ đầu tư huy động vượt quá số tiền mua, thuê mua nhà ở được ứng trước của khách hàng theo quy định của pháp luật; 

Trường hợp sử dụng sai mục đích nguồn vốn huy động hoặc chiếm dụng vốn đã huy động hoặc huy động vượt quá số tiền mua, thuê mua nhà ở ứng trước của khách hàng thì phải hoàn lại số tiền đã huy động sai quy định, phải bồi thường (nếu gây thiệt hại) và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, pháp luật hiện hành buộc chủ đầu tư phải sử dụng nguồn vốn huy động vào đúng mục đích xây dựng, phát triển dự án đó. Việc sử dụng tiền ứng trước của khách hàng vào các mục đích khác, kể cả sử dụng cho dự án khác được xem là bất hợp pháp và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Trong vụ việc Cocobay, cơ quan điều tra cần vào cuộc, điều tra làm rõ Công ty Thành Đô có đưa ra thông tin gian dối trong quá trình huy động vốn hay không?. Số tiền huy động từ khách hàng hiện nay đang ở đâu, được sử dụng vào mục đích gì?. Trường hợp có yếu tố gian dối, cố tình chiếm dụng vốn của khách hàng thì cần khởi tố vụ án lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản để nghiêm trị theo quy định của pháp luật.

Các tranh chấp giữa khách hàng và công ty Thành Đô liên quan đến dự án Cocobay Đà Nẵng đã dai dẳng trong thời gian dài, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc điều tra, xử lý để ổn định tình hình, kịp thời bảo vệ quyền lợi cho người dân, bảo đảm răn đe, ngăn ngừa tình trạng huy động vốn vi phạm pháp luật của các chủ đầu tư bất động sản.

Nhiều khu trong dự án là bãi hong, hồ nước đọng. Ảnh: Phước Nguyên

- Trước thực trạng này, nhà đầu tư cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Công Tín: Trong nội dung thông báo chung gửi khách hàng, công ty này cũng không đưa ra được bất kỳ lý do, căn cứ nào để đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Đơn phương chấm dứt hợp đồng thì rõ ràng khách hàng là bên bị ảnh hưởng nặng nề. Căn cứ điều 428, điều 418 và điều 419 Bộ luật Dân sự năm 2015, khách hàng hoàn toàn có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án buộc công ty phải chịu phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận tại hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện hợp đồng trước đây, công ty này từng vi phạm cam kết trả lợi nhuận 12%, không bàn giao sổ hồng theo đúng tiến độ cho khách hàng…

Như vậy khi khởi kiện, khách hàng có thể yêu cầu được hoàn trả tiền, đồng thời khách hàng có thể yêu cầu Công ty Thành Đô trả lợi nhuận 12% theo cam kết tại hợp đồng cho đến ngày hợp đồng bị chấm dứt.

Ngoài ra, khách hàng được yêu cầu các lợi ích khác mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại, bồi thường tiền lãi, các khoản phạt khác theo thỏa thuận tại hợp đồng.

Xin cảm ơn ông!

Link nội dung: https://kinhte24h.net.vn/cocobay-da-nang-hang-nghin-ty-huy-dong-tu-khach-hang-dang-o-dau-a726.html