Đến nay, Đồng Nai có 33 khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập. Tỉnh cũng phối hợp để hoàn thiện các thủ tục thành lập thêm các KCN mới với diện tích hàng ngàn hécta để đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư vào những năm tới.
Trong khi chờ các KCN mới được triển khai thì ngay tại nhiều KCN đã được thành lập, việc giải phóng mặt bằng (GPMB) diễn ra rất chậm. Có KCN thành lập hàng chục năm vẫn chưa hoàn thành mặt bằng, ảnh hưởng đến kết quả thu hút đầu tư của địa phương.
Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, trong năm 2023, các KCN trên địa bàn tỉnh đã cho thuê được 38 hécta đất, đạt 126,8% kế hoạch năm. Diện tích đất cho thuê tập trung tại các KCN: Công nghệ cao Long Thành, Giang Điền, Thạnh Phú, Nhơn Trạch 3 - giai đoạn 2. Tỷ lệ lấp đầy cho thuê đất đến nay là hơn 86% trên tổng diện tích đất công nghiệp. Quỹ đất công nghiệp còn lại sẵn sàng cho nhà đầu tư thuê không còn nhiều, do vướng bồi thường giải tỏa hoặc chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý để triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Diện tích đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê còn khoảng 220 hécta, diện tích đất công nghiệp dành cho thuê còn vướng công tác bồi thường, GPMB và chưa hoàn chỉnh hạ tầng khoảng 750 hécta tại 11 KCN.
Một số KCN còn vướng mặt bằng như: Hố Nai 93 hécta (cả giai đoạn 1 và 2); Sông Mây 184,8 hécta (giai đoạn 1 và 2); Ông Kèo 204,7 hécta; Bàu Xéo 18,8 hécta; Công nghệ cao Long Thành 163 hécta; Amata 25,3 hécta…
KCN Hố Nai (huyện Trảng Bom) là nơi vướng nhiều mặt bằng chưa giải tỏa được. Tổng giám đốc Công ty CP KCN Hố Nai Nguyễn Công Định chia sẻ, KCN đã thành lập 25 năm. Mong muốn hiện nay của đơn vị là địa phương đẩy nhanh việc thực hiện các thủ tục liên quan đến bồi thường, GPMB phần diện tích còn lại, từ đó tạo điều kiện đầu tư hạ tầng đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư tốt hơn.
Tương tự, Tổng giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Long Thành Thái Hoàng Nam cho rằng, hạn chế của Đồng Nai là mật độ dân cư đông nên quá trình thực hiện thu hồi đất, đền bù, tái định cư cho các hộ dân để xây dựng các KCN gặp khó khăn. Do đó, chi phí cũng như các công việc liên quan, nhất là tái định cư lớn dẫn đến chậm tiến độ.
Để tạo quỹ đất thu hút đầu tư, Thường trực Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 422-KL/TU ngày 30-3-2023, UBND tỉnh cũng có Văn bản số 3488/UBND-KTN ngày 14-4-2023 nhằm triển khai nội dung này. Tới tháng 10-2023, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác thúc đẩy phát triển KCN trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện vẫn còn chậm, chưa đạt yêu cầu.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương có KCN tập trung xử lý dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc công tác thu hồi đất, bồi thường, GPMB, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Trong đó, quan tâm bố trí quỹ đất đầu tư xây dựng các khu tái định cư, phục vụ cho công tác bồi thường, GPMB, bởi tái định cư là vấn đề quan trọng nếu muốn đẩy nhanh tiến độ.
Đối với các KCN thành lập mới, tỉnh giao Ban Quản lý các KCN Đồng Nai tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý việc thực hiện thủ tục pháp lý liên quan đến đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư của các KCN. Đồng thời, phải chủ động làm việc với Bộ Kế hoạch và đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục pháp lý đầu tư, sớm triển khai thành lập, tạo quỹ đất thu hút đầu tư.
Hiện có nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào Đồng Nai các dự án công nghệ cao, nhưng lại thiếu mặt bằng cho nhà đầu tư. Vì vậy, trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp hạ tầng GPMB nhanh để đầu tư hạ tầng KCN hoàn chỉnh đón các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài vào tỉnh thực hiện các dự án.
Link nội dung: https://kinhte24h.net.vn/dong-nai-gap-rut-giai-phong-mat-bang-cac-khu-cong-nghiep-a718.html