Quả vải sớm đang ở giai đoạn phát triển chùm hoa, tỷ lệ ra hoa ước đạt 70 - 80%, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đề nghị UBND các huyện trọng điểm sản xuất vải thiều tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn nông dân bám sát vào diễn biến thời tiết, kết hợp áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật, đảm bảo năng suất, chất lượng cho vụ vải thiều năm 2024.
Mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn số 399/SNN-TT&BVTV đề nghị UBND các huyện trọng điểm sản xuất vải thiều tập trung chỉ đạo sản xuất vải thiều giai đoạn ra hoa.
Năm 2023, mùa đông có nhiệt độ bình quân cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1,5°C, làm ảnh hưởng đến quá trình phân hóa mầm hoa cây vải thiều. Bên cạnh đó, thời tiết từ giữa tháng 1/2024 đến giữa tháng 2/2024 có các đợt không khí lạnh ngắn ngày, kèm theo mưa nhỏ kéo dài khiến độ ẩm không khí, độ ẩm đất cao, kết hợp với thời gian dài có nền nhiệt độ cao. Đây là những yếu tố làm cho nhiều diện tích vải có hiện tượng ra lộc hoặc ra hoa kèm lộc làm ảnh hưởng đến năng suất.
Trong những ngày qua, miền Bắc tiếp tục có đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc, khu vực vùng núi từ 15 - 17°C, vùng núi cao có nơi dưới 12 độ. Do đó, để đảm bảo năng suất, giúp tăng tối đa diện tích vải thiều ra hoa, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện trọng điểm sản xuất vải thiều tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân bám sát thời tiết, kết hợp áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật trong giai đoạn này. Hiện nay, trà vải sớm đang ở giai đoạn phát triển chùm hoa, tỷ lệ ra hoa ước đạt 70-80%; trà vải vải chính vụ bắt đầu ra hoa, tỷ lệ ra hoa dự kiến khoảng 50- 60%.
Cụ thể, đối với trà vải sớm tập trung các biện pháp chăm sóc, tưới nước đủ ẩm, bón phân cân đối, sử dụng các loại phân bón lá giàu vi lượng để quá trình nở hoa, đậu quả được thuận lợi. Tập trung điều tra theo dõi và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại như: Bệnh sương mai, thán thư, sâu đo, bọ xít, rệp muội ... bằng những loại thuốc đặc hiệu.
Đối với trà vải chính vụ, tại những diện tích vải đã ra hoa cần tiến hành tưới nước nhẹ lên tán cây, sử dụng phân bón qua lá giầu vi lượng để cây ra hoa được thuận lợi và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại giai đoạn ra hoa.
Với những diện tích vải vừa ra hoa vừa ra lộc không tưới nước nhằm hạn chế quá trình hình thành lộc. Những cây ra hoa kèm theo lộc, cần sử dụng biện pháp ngắt bỏ lá mọc kèm ngay khi lá non vẫn còn đỏ.
Đối với những diện tích vải chưa ra hoa cần tiếp tục hạn chế độ ẩm của đất và phun bổ sung các chế phẩm phân bón qua lá có hàm lượng lân và kali trung bình, giầu vi lượng, kết hợp với chất điều hòa sinh trưởng để kích thích phát triển mầm hoa, ức chế sinh trưởng của lộc non.
Năm 2023, diện tích vải thiều của toàn tỉnh Bắc Giang là trên 29.700ha, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ toàn tỉnh ước đạt trên 201.600 tấn. Doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt khoảng trên 6.876 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay; trong đó, doanh thu từ vải thiều ước đạt khoảng trên 4.658 tỷ đồng (tăng hơn 247 tỷ đồng so với năm 2022); doanh thu từ dịch vụ phụ trợ ước đạt 2.218 tỷ đồng.
Cũng theo Sở NN&PTNT tỉnh, các mã vùng trồng vải thiều Bắc Giang được cấp xuất khẩu sang các thị trường như Australia, Thái Lan, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc với tổng diện tích trên 1.000ha. Trong số đó, huyện Tân Yên được cấp 21 mã với diện tích 739,29ha; huyện Yên Thế được cấp 3 mã với diện tích 40,37ha; huyện Lục Ngạn được cấp 18 mã với diện tích 240,35ha và huyện Sơn Động được cấp 1 mã với diện tích 36,1ha.
Hiện Bắc Giang có 221 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu, với tổng diện tích trên 17.700ha (chiếm hơn 50% diện tích); trong đó thị trường Trung Quốc 129 mã (diện tích hơn 16.000ha), còn lại là thị trường Nhật Bản 38 mã, Hoa Kỳ 17 mã, Thái Lan 19 mã và Australia 18 mã.
Link nội dung: https://kinhte24h.net.vn/bac-giang-tap-trung-chi-dao-san-xuat-vai-thieu-giai-doan-ra-hoa-a655.html