Quận Cầu Giấy (Hà Nội): Nỗi lo từ dịch vụ thẩm mỹ thiếu an toàn

TP. Hà Nội có rất nhiều cơ sở thực hiện kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ nhằm đáp ứng nhu cầu làm đẹp của khách hàng. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ được cấp phép, đảm bảo điều kiện hoạt động thì vẫn còn có rất nhiều ý kiến phản ánh, bức xúc của người dân liên quan đến hoạt động của các cơ sở này.

Những lỗi lo trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ chăm sóc sắc đẹp

TP. Hà Nội có 83 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được Sở Y tế Hà Nội cấp phép. Các bệnh viện (BV) ngoài công lập được Bộ Y tế cấp phép có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ gồm 10 bệnh viện: BV Hồng Ngọc, BV Thu Cúc, BV Việt Pháp, BV Trí Đức, BV Vinmec, BV Đa khoa An Việt, BV ĐK quốc tế Bắc Hà, BVĐK Tư nhân Hà Thành, BV ĐK Tư nhân Hà Nội, BV Phương Đông. Thế nhưng con số các đơn vị thẩm mỹ không đủ điều kiện hoạt động cũng không hiếm. Điều này khiến không ít người cả tin và đối diện với nguy cơ nguy hại đến sức khỏe, tính mạng. Ngoài ra, không ít những spa, thẩm mỹ viện không có bác sĩ cũng tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ.

Đặc biệt, tình trạng các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ không được cấp phép nhưng vẫn hoạt động hoặc chỉ được cấp phép làm một số danh mục kỹ thuật nhất định nhưng khi thực hiện lại vượt quá phạm vi cho phép. Một số cơ sở khi quảng cáo thì nội dung khác với nội dung đã được duyệt. Chưa kể các trung tâm dạy nghề dù chưa được cấp phép nhưng lại dạy những khóa học về PTTM như cắt mí, nâng mũi… Có những học viên sau khi học nghề không chỉ tự tiến hành các hoạt động làm đẹp cho chính những học viên khác mà còn truyền nghề dù không có giấy phép. Đây là hoạt động đào tạo không chính thống và đang diễn ra ngày càng nhiều.

vien-tham-my-phuong-dong-1702443604.png
 

Rất nhiều cơ sở không có chức năng thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ nhưng lại kết hợp các hoạt động này trong hoạt động spa của mình. Ngoài ra, một số cơ sở spa thực hiện kỹ thuật xăm mình không bảo đảm an toàn vệ sinh, rất dễ xảy ra khả năng lây nhiễm một số bệnh. Tuy nhiên, có một thực tế là việc phạt hành chính những cơ sở sai phạm cũng không khiến các spa hay viện thẩm mỹ “lo ngại” bởi số tiền phạt không đáng bao nhiêu so với nguồn lợi nhuận có được. Trong trường hợp bị các cơ quan chức năng bắt quả tang, họ sẵn sàng nộp phạt, còn nếu bị rút giấy phép này, họ lại mở cơ sở khác. Một thực tế nữa là trong công tác thẩm định, các cơ sở này đều đạt đủ tiêu chuẩn theo quy định, thế nhưng trong quá trình hoạt động, thường có nhiều biến động về nhân sự. Với lực lượng thanh kiểm tra quá mỏng trong khi số các cơ sở y tế quá lớn, mặc dù đã cố gắng, nhưng lực lượng thanh, kiểm tra vẫn chưa thực hiện thanh, kiểm tra và báo cáo thường xuyên, dẫn đến việc, một số cơ sở đã làm vượt quá chuyên môn cho phép, gây ra tai biến cho người bệnh.

Theo quy định của Bộ Y tế hiện nay, tại các cơ sở thẩm mỹ, spa chỉ được thực hiện duy nhất phương pháp làm đẹp ít xâm lấn là xăm nhưng không được phép tiêm gây tê, mà chỉ được bôi gây tê bởi chỉ có bác sĩ được cấp phép đầy đủ mới có đủ điều kiện thực hiện các ca phẫu thuật mổ xẻ, tiêm trắng… (phương pháp ít xâm lấn, xâm lấn). Tuy nhiên, không ít những cơ sở này quảng cáo “trá hình” có thể giúp chị em làm đẹp bằng phương pháp phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ khi chưa đủ trình độ chuyên môn và chưa được cấp phép.

Nhận diện các loại hình kinh doanh dịch vụ Thẩm mỹ

Theo quy định của pháp luật, ngoại trừ các bệnh viện thẩm mỹ, có thể chia các cơ sở cung ứng dịch vụ làm đẹp thành 3 nhóm khác nhau. 

Nhóm 1: Cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, bao gồm các cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng. Những cơ sở chăm sóc sắc đẹp này được phép hoạt động không cần điều kiện quy định về y tế. Do đó, theo quy định chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (đăng ký kinh doanh hộ gia đình) hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp (đăng ký kinh doanh công ty), không cần Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động. 

Tuy nhiên, người dân cần lưu ý, những cơ sở chăm sóc sắc đẹp này hoàn toàn không được phép sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì. Đây là nhóm hoàn toàn không thuộc sự quản lý và cấp phép của ngành y tế. Thực tế, các cơ quan chức năng đã từng phát hiện và xử lý những cơ sở chăm sóc da thuộc nhóm này nhưng lén lút triển khai phẫu thuật hút mỡ,… với thuốc gây tê. 

Nhóm 2: Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da. Những cơ sở này không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (đăng ký kinh doanh hộ gia đình) hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp (đăng ký kinh doanh công ty).

Tuy nhiên, để hoạt động hợp pháp, điều kiện bắt buộc là người thực hiện kỹ thuật phun, xăm, thêu phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.

Các cơ sở phun xăm, thêu trên da phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định gửi về Sở Y tế để được công khai trên cổng thông tin điện tử Sở Y tế trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày. Người dân cần lưu ý rằng theo quy định pháp luật thì các cơ sở phun, xăm, thêu trên da không được phép sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở làm đẹp thuộc nhóm này đã lén lút triển khai phẫu thuật thẩm mỹ.

Nhóm 3: Những cơ sở khám chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người. Những cơ sở này, ngoài giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, khi hoạt động bắt buộc phải được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật. Các cơ sở này có thể là bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hay phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ.

Hầu hết các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại các cơ sở theo loại hình này đều có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý rằng tất cả kỹ thuật can thiệp phải được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế thẩm định và phê duyệt danh mục kỹ thuật. Các kỹ thuật sử dụng ngoài danh mục cho phép đều trái quy định pháp luật.

Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam cho biết, có 479 phòng khám da liễu (chiếm 56%) trên toàn quốc đã thực hiện PTTM dù không được phép. Mỗi năm, Việt Nam có 250.000 người PTTM, trong đó khoảng 25.000-35.000 ca biến chứng thẩm mỹ, chiếm tỷ lệ 14%.

Kiểm soát, xử lý nghiêm các cơ sở chăm sóc sắc đẹp

Không có phẫu thuật hay thủ thuật nào là tuyệt đối an toàn. Bản thân phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng cũng như các phẫu thuật khác nói chung đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ như dị ứng thuốc, chảy máu, nhiễm trùng… Bởi vậy, thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở đã được cấp phép, có đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, đặc biệt các trang thiết bị và quy trình cấp cứu, nhân viên y tế có chứng chỉ hành nghề, có kinh nghiệm thì nguy cơ sẽ ít đi.

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập, thay thế cho Chỉ thị số 10/CT-UBND thành phố ngày 2/5/2013. UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Y tế thành phố phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sau cấp phép để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những tồn tại. Trong đó, tập trung kiểm tra các cơ sở có hình thức kinh doanh tiềm ẩn các yếu tố nguy cơ, rủi ro đối với các phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám răng hàm mặt, phòng xét nghiệm. Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm theo thẩm quyền, đồng thời đề xuất các hình thức xử lý, xử phạt bổ sung phù hợp để tạo tính răn đe, ngăn chặn nguy cơ tái phạm đối với các hành vi vi phạm gây hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. 

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, thời gian qua, UBND quận Cầu Giấy đã thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn, chủ động phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, kịp thời phát hiện các cơ sở vi phạm, xử lý nghiêm minh để răn đe, ngăn chặn những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông trong việc nâng cao nhận thức cho người dân về các tác hại của việc sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ không đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn có cơ sở dịch vụ hoạt động không thông báo với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, với lực lượng quản lý ở cơ sở còn mỏng, chính vì vậy, số lượng cơ sở kiểm tra, xử lý chưa được nhiều.

Trong quá trình thực hiện Tuyên truyền chuyên đề về “Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ và cơ sở hành nghề y dược trên địa bàn Hà Nội”, Tạp chí Doanh nghiệp và Đầu tư đã khảo sát hàng loạt các thẩm mỹ viện để có thông tin, số liệu về hoạt động của lĩnh vực này. Đã có không ít thông tin được chia sẻ, có không ít các số liệu tình hình hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn TP. Hà Nội nói chung và quận Cầu Giấy nói riêng. Trong số những kết quả tích cực có không ít băn khoăn về chất lượng dịch vụ của các cơ sở thẩm mỹ. Trong số đó, theo ghi nhận thực tế tại Viện thẩm mỹ quốc tế Pfizerss có địa chỉ tại 415 phố Nguyễn Khang, phường Yên Hòa về giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa ra sao khi vẫn thực hiện dịch vụ tiểu phẫu xóa sẹo bằng cách cắt sẹo (khâu cân cơ 3 lớp); bán thuốc không có tem mác, không rõ nguồn gốc...

z4954465577780-6f110eeafbde2cc9a33ebdb7e7c2cb55-1702443774.jpg
Viện thẩm mỹ quốc tế Pfizerss tại 415 Nguyễn Khang. Ảnh: Anh Thư

Cũng theo ghi nhận tại quận Cầu Giấy, Viện thẩm mỹ Phương Đông có địa chỉ tại số 185 Trần Đăng Ninh đang quảng cáo và thực hiện dịch vụ điều trị ngủ ngáy Dynamics sighing 4D. Đơn vị này quảng cáo là điều trị dứt điểm bằng dung động sóng lưỡng cực bằng 2 bước sóng tác động mô mỡ khu vực thanh quản, hiệu sóng nhiệt đơn cực vào vòm họng. Viện thẩm mỹ Phương Đông cam kết chữa khỏi chỉ bằng 1 liệu trình trong vòng 30 – 40 phút, bảo hành 10 năm.

Trong khi theo quy định tại Thông tư số 21/2000/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về hướng dẫn điều kiện và phạm vi hành nghề y, dược tư nhân thì hoạt động đốt họng bằng nhiệt, bằng Laser được thực hiện do Phòng khám chuyên khoa tai mũi họng, phòng khám đa khoa có khoa này hoặc các bệnh viện.

z4954466637307-24313940674fee324e506a8a903b4517-1702443840.jpg

Viện thẩm mỹ Phương Đông. Ảnh: Anh Thư

 

Việc làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người khi xã hội đang ngày càng phát triển. Tuy nhiên, người dân cần phải thông thái, tìm hiểu, lựa chọn những địa chỉ thẩm mỹ uy tín, đảm bảo hiệu quả và an toàn cho sức khỏe của mình theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Những cơ sở này phải đáp ứng được các tiêu chí: Hoạt động minh bạch, được Bộ Y tế cấp phép; sở hữu đội ngũ bác sĩ giỏi, có kinh nghiệm trong nghề; hệ thống phòng phẫu thuật đảm bảo tiêu chí vô trùng...  nếu bất chấp làm đẹp mà không tìm hiểu về cơ sở làm đẹp và dịch vụ thẩm mỹ đó đã được cấp phép hay không thì không chỉ tiềm ẩn những rủi ro, nguy cơ đe dọa đến sức khỏe của bản thân mà chính những hành động này đã “tiếp tay” cho những cơ sở dịch vụ thẩm mỹ “chui” ngày càng ngang nhiên lộng hành và vi phạm pháp luật.

Sáng ngày 8/12/2023, ông Nguyễn Đức Viên, Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy trả lời thông tin về Viện thẩm mỹ quốc tế Pfizerss và Viện thẩm mỹ Phương Đông hoạt động có đúng quy định pháp luật hay không, ông Viên cho biết: “…Chỗ 415 Nguyễn Khang hiện tại cơ sở cũ bỏ rồi cơ sở mới đang làm thủ tục để mở công ty; còn chỗ Phương Đông 185 Trần Đăng Ninh cách đây một thời gian liên ngành quận, phường có kiểm tra họ có đủ thủ tục giấy tờ, tại thời điểm kiểm tra họ không vi phạm em nhé, còn em có thông tin gì chứng cứ gì cứ gửi cho anh, anh cho anh em kiểm tra ngay".

Tạp chí Doanh nghiệp và Đầu tư đã liên hệ tới số hotline chăm sóc khách hàng của Viện thẩm mỹ quốc tế Pfizerss để xác thực thông tin, một người tự nhận là nhân viên của Viện thẩm mỹ khẳng định vẫn nhận đặt lịch bác sỹ tư vấn cho khách và báo cho cơ sở… 

Bên cạnh những thông tin ghi nhận về các Thẩm mỹ, Tạp chí Doanh nghiệp và Đầu tư còn khảo sát nhiều cơ sở khác trên địa bàn quận, được biết nhiều biển hiệu các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực y dược không ghi đầy đủ thông tin số liệu trên Biển hiệu theo quy định, khiến người dân rất khó biết được cơ sở nào có phép hay không.

Việc đặt hệ thống biển hiệu tại các cơ sở khám chữa bệnh đóng vai trò vô cùng quan trọng và có nhiều tác dụng đáng kể. Đầu tiên, hệ thống biển hiệu cung cấp đầy đủ thông tin cơ bản về các dịch vụ tại cơ sở khám chữa bệnh, giúp người bệnh dễ dàng tìm đến phòng khám phù hợp với bệnh tình của mình. Điều này tạo thuận lợi cho việc định hướng và lựa chọn phương pháp điều trị. Các cơ sở khám và chữa bệnh liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Do đó, việc có biển hiệu rõ ràng là cần thiết để người dân có thể nhận biết và đảm bảo sức khỏe của mình khi sử dụng dịch vụ tại các cơ sở khám và chữa bệnh này. Biển hiệu không chỉ là một phương tiện thông tin mà còn là một cách thể hiện sự chuyên nghiệp và đáng tin cậy của cơ sở đó. Việc treo biển hiệu đúng quy định cũng giúp ngăn chặn các hoạt động y tế giả mạo, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người dân.

phong-kham-khong-ghi-giay-phep-hoat-dong-1702443932.png
Một số hình ảnh hoạt động trong linh vực y khoa “quên” ghi thông tin. Ảnh:Trung Khánh – Phúc Khang

Thiết nghĩ, lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy cần quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo các đơn vị có liên quan thanh, kiểm tra các cơ sở làm đẹp và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời tuyên truyền người dân khi phát hiện vi phạm cần tố cáo đến các cơ quan chức năng nơi cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động. Nhìn rộng hơn nữa là đã đến lúc quản lý các cơ sở thẩm mỹ không chỉ riêng quận Cầu Giấy mà cần sự vào cuộc của cả xã hội, từ người dân đến chính quyền xã phường, quận huyện, cơ quan báo chí cùng tích cực tuyên truyền và giám sát các cơ sở thẩm mỹ, liên tục tuyên truyền trên các phương tiện nhằm tăng hiểu biết và lựa chọn cơ sở đúng, lựa chọn đúng bác sĩ để sử dụng dịch vụ y tế.

Một chuyên gia trong lĩnh vực này khuyên khách hàng khi có nhu cầu làm đẹp, cần đến các cơ sở được ngành y tế cấp phép có số giấy phép trên biển hiệu hành nghề, thông tin trên biển hiệu gồm: Tên phòng khám, loại hình hành nghề (phòng khám, bệnh viện), tên người phụ trách, giờ làm việc, số giấy phép. Trong cơ sở hành nghề có các thông tin: Niêm yết bảng giá dịch vụ, niêm yết chứng chỉ hành nghề của người hành nghề, niêm yết phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở. Khách hàng cần hiểu biết và nắm rõ được các thông tin về phạm vi kỹ thuật nào được thực hiện tại bệnh viện, phòng khám hoặc cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Những loại thẩm mỹ như nâng ngực, hút mỡ, nâng mông… phải được làm tại bệnh viện.

Các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải đáp ứng đầy đủ, nghiêm ngặt về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế theo quy định tại Nghị định 155/2018/NÐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ. Về nhân sự, bác sĩ phải có chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hoặc chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hoặc chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề. Người hành nghề khác của cơ sở phải có chứng chỉ hành nghề có phạm vi chuyên môn phù hợp và phải được lãnh đạo sở y tế phê duyệt vào danh sách.

Link nội dung: https://kinhte24h.net.vn/quan-cau-giay-ha-noi-noi-lo-tu-dich-vu-tham-my-thieu-an-toan-a595.html