Nỗ lực cải thiện mục tiêu giải ngân đầu tư công

Năm 2023 đang dần khép lại trong khi chỉ tiêu giải ngân đầu tư công đạt ít nhất 90% của thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là thách thức không nhỏ. Cả hệ thống chính trị Thành phố, với sự đồng tâm, đồng lòng của doanh nghiệp và người dân đang dồn sức và quyết liệt triển khai các giải pháp để tiến gần hơn mục tiêu này.

Chưa đạt được mong muốn

Tại Kỳ họp thứ 13 Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM khóa X diễn ra mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định: Khó khăn chung của kinh tế thế giới và cả nước đã tác động trực diện đến phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, dự kiến sẽ tiếp tục sang cả năm 2024.

Trong năm 2023, TP.HCM vừa triển khai nhiều chính sách mới như Nghị quyết 98 của Quốc hội vừa tập trung tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng. Tính đến ngày 6/12, TP.HCM đã giải ngân 35.157 tỷ đồng, đạt 51,2% kế hoạch.

“Xét phần trăm là thấp, nhưng khối lượng là rất lớn. Bộ máy, con người vẫn vậy nhưng khối lượng này đã tăng gấp đôi so năm 2022. Đây là nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết.

trang-920231212080715-1702442508.jpg
Công trường dự án trọng điểm Cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Thành phố đã nhận diện và sẽ có giải pháp khắc phục trong thời gian tới, nhất là tập trung điều hành các chỉ tiêu thu ngân sách, đảm bảo giải ngân đầu tư công đạt 95% đối với những dự án thuận lợi, không dưới 80% với những dự án lớn và tỷ lệ giải ngân không được thấp hơn so với năm 2022.

“Trên cơ sở phát huy các giải pháp hiệu quả đạt đã được trong 2023, sắp tới UBND TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị về đầu tư công, sẽ điều chỉnh để quý 1, quý 2/2024 hoàn thành thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng, để 6 tháng cuối năm 2024 tập trung công tác xây lắp”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu rõ.

Thông tin thêm về tình hình đầu tư công, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết: Trong năm 2023, nguồn vốn đầu tư công được giao rất lớn trong khi công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, việc phối hợp giải quyết thủ tục đầu tư của các cơ quan, sở, ngành, chủ đầu tư có lúc chưa đồng bộ, hiệu quả.

Vì thế giải ngân đầu tư công của Thành phố dự kiến không đạt mục tiêu. Nguyên nhân là có nhiều dự án chưa được tính toán kỹ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng dẫn đến số vốn còn dư lại tới 5.449 tỷ đồng. Một số dự án với hơn 5.600 tỷ đồng ở các quận, huyện, thành phố Thủ Đức còn vướng mắc, khó khăn về bồi thường giải phóng mặt bằng. Đáng chú ý, dự án trọng điểm giải quyết ngập do triều quy mô 10.000 tỷ đồng vẫn chưa hoàn thành, còn còn 5.771 tỷ đồng chưa giải ngân. Như vậy, Thành phố có khoảng 16.900 tỷ đồng khó giải quyết (chiếm gần 25% tổng số vốn đầu tư công năm 2023).

“Công tác giải ngân đầu tư công 2023 và sắp tới không chỉ phụ thuộc vào chủ đầu tư mà còn phụ thuộc vào sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ngành trong giải quyết thủ tục hành chính. Ngoài ra, cần có sự đồng thuận tham gia của người dân trong thực hiện các chủ trương chung”, bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết.

Kêu gọi đầu tư 41 dự án PPP

Không chỉ quyết tâm tăng tốc giải ngân đầu tư công tại các dự án cũ mà TP.HCM cũng lên kế hoạch triển khai hàng loạt dự án trọng điểm. Kỳ họp thứ 13 HĐND TP.HCM khóa X vừa qua đã thông qua Nghị quyết ban hành danh mục dự án để kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa với 41 dự án gồm 12 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, 6 dự án y tế và 23 dự án thể thao và văn hóa.

Các dự án có quy mô lớn về vốn đầu tư như Khu khám điều trị dịch vụ tại khu 2, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (300 giường); xây dựng khoa khám và điều trị cho người nước ngoài tại bệnh viện Lê Văn Thịnh; xây dựng bệnh viện đột quỵ TP.HCM (500 giường). Dự án Trường Tiểu học và mầm non, THCS, THPT tiêu chuẩn quốc tế tại thành phố Thủ Đức; Trường Mầm non Bình Trị Đông; Trường Tiểu học tại quận 12…

Các dự án thuộc lĩnh vực thể thao và văn hóa có thể kể đến như xây dựng mới Nhà hát Gia Định; cải tạo, nâng cấp toàn bộ Nhà hát Bến Thành; tu bổ di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố Đình Bình Trị Đông…

Để triển khai sớm, hiệu quả các dự án nói trên, HĐND TP.HCM đã giao UBND Thành phố thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư, Nghị quyết 98 của Quốc hội và quy định của pháp luật có liên quan; thực hiện công khai, minh bạch đầy đủ các thông tin về dự án để thuận lợi cho nhà đầu tư và người dân giám sát.

Đối với danh mục 41 dự án lần này, ông Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố đã rút kinh nghiệm, tính toán nhu cầu, rà soát quy hoạch và vận dụng cơ chế theo Nghị quyết 98 để tăng tính khả thi. Sau khi HĐND TP.HCM thông qua, UBND Thành phố sẽ nghiên cứu, ban hành quy trình, bộ hồ sơ thủ tục, để thực hiện đầu tư công nhanh gọn hơn, trong đó tập trung vào những dự án có thể làm ngay để có kết quả, tránh kéo dài gặp vướng mắc pháp lý.

Link nội dung: https://kinhte24h.net.vn/no-luc-cai-thien-muc-tieu-giai-ngan-dau-tu-cong-a592.html