An toàn, nhiều tiện ích
Thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay đang là xu thế tất yếu, các địa phương trong cả nước đang tích cực hưởng ứng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Sau hai năm triển khai Quyết định, thanh toán không dùng tiền mặt đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo người dân. Trên thực tế, thanh toán qua mã QR, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking… đã trở thành thói quen của nhiều người dân từ thành thị đến nông thôn, đặc biệt là khách hàng trẻ. Nếu như trước đây, mọi người luôn phải mang theo tiền mặt khi đi ăn uống, mua sắm thì hiện nay chỉ với một tấm thẻ ATM hay điện thoại di động sẽ thanh toán được mọi dịch vụ. Các cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng và cả người bán hàng tại chợ truyền thống đã dần chấp nhận hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người bán và người mua.
Trước đây thanh toán không dùng tiền mặt chỉ phổ biến trong các giao dịch mua sắm, ăn uống… thì nay cũng đã phổ biến trong lĩnh vực thanh toán hóa đơn. Hiện tại, các dịch vụ hóa đơn cũng đang triển khai hình thức thanh toán qua mã QR với số lượng giao dịch mã QR tăng.
Chị Nguyễn Thị Yến, chủ kinh doanh mặt hàng rau củ tại chợ Hà Đông (quận Hà Đông) cho biết: “Từ sau dịch Covid-19, hầu hết khách mua hàng đều thanh toán không sử dụng tiền mặt, kể cả đơn hàng vài chục tới vài trăm. Để thuận tiện cho khách thanh toán tôi in, dán mã QR Code tại bàn, vị trí khách dễ xem nhất, hình thức thanh toán này rất tiện lợi cho cả người bán và người mua”.
Theo Vụ Thanh Toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổng thanh toán không dùng tiền mặt đến tháng 6/2023 tăng trên 51% trong đó thanh toán internet banking tăng trên 66% về số lượng; trên mobile tăng trên 63% về số lượng, đặc biệt thanh toán qua QR Code với mức độ tăng trưởng trên 124%. Sự hưởng ứng của người dân đặc biệt là thế hệ Gen Z đã chứng minh xu thế xã hội không dùng tiền mặt trong tương lai của chúng ta sẽ sớm trở thành hiện thực.
Khẳng định về sự thuận tiện của thanh toán không dùng tiền mặt, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay: “Việc thanh toán không dùng tiền mặt tạo sự minh bạch, tạo điều kiện thuận tiện, có lợi không chỉ cho người tiêu dùng mà còn cho cả đơn vị cung cấp. Đó là thuận tiện trong quá trình giao dịch hàng hoá, quản lý dòng tiền, luồng tiền... Ngoài ra các hệ thống liên quan như dịch vụ công cũng được thúc đẩy thông qua việc thanh toán điện tử; lĩnh vực quản lý thuế cũng ngày càng minh bạch hơn khi các máy bán hàng, máy thanh toán hoá đơn đều được kết nối, tích hợp với hệ thống và được kiểm soát chặt chẽ”.
Hướng đến chuẩn hóa dữ liệu
Tại Hà Nội, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội và Sở Công thương, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh. Một số chỉ tiêu đạt được trong năm 2022 như: Tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch điện tử ước đạt 45%; tỉ lệ thanh toán hóa đơn tiền nước không dùng tiền mặt đạt 96,67%; tỉ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 99,9%…
Theo ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dữ liệu và việc phân tích, khai thác, kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư là yếu tố quyết định tạo nên thành công của quá trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tốt phải có hệ thống dữ liệu. Hiện nay, các tổ chức tín dụng đang trong lộ trình kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khai thác dữ liệu trong Căn cước công dân để có thể xác định chính chủ, cung cấp các dịch vụ đặc biệt là dịch vụ cho vay trực tuyến.
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong các dịch vụ công cũng được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Các cơ quan nhà nước như y tế, giáo dục, bảo hiểm, hải quan đã tiến hành thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập ví điện tử MoMo, hiện nay, có khoảng 2.5 triệu người dùng thanh toán qua MoMo cho hơn 90% dịch vụ hành chính công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và 1 triệu người dùng cho các Dịch vụ công. Có 4.260 trường trên toàn quốc chấp nhận thanh toán học phí qua MoMo. Tương tự, 148 bệnh viện, phòng khám trên toàn quốc cũng triển khai thanh toán bằng MoMo. Có khoảng 51,3% khách hàng từ 18 - 27 tuổi đã chọn MoMo là phương thức thanh toán trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, và 45,8% khách hàng trẻ trong độ tuổi này cũng sử dụng MoMo để thanh toán các dịch vụ hành chính công. So với năm 2022, thanh toán trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia bằng MoMo trong năm 2023 tăng 155% đối với mảng đóng các loại phí và lệ phí, tăng 315% đối với mảng nộp phạt giao thông.
Dựa trên dữ liệu trên, ông Diệp nhấn mạnh vai trò của người trẻ trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Theo ông, giới trẻ là lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả, thông qua việc thay đổi thói quen sống, lan tỏa các thông điệp mới của Chính phủ, từ đó dẫn dắt cả xã hội theo xu hướng mới.
Link nội dung: https://kinhte24h.net.vn/thanh-toan-khong-dung-tien-mat-thuc-day-chuyen-doi-so-nen-kinh-te-a536.html