Tìm hiểu ý nghĩa Tết Trung Thu cổ truyền ở Việt Nam

Trung thu, là giữa mùa thu. Tết Trung thu như tên gọi là ngày giữa mùa thu, tức là vào rằm (ngày 15) tháng Tám âm lịch. Tết Trung thu tại Việt Nam không biết có tự bao giờ, không có sử liệu nào nói rõ về gốc tích của ngày lễ rằm tháng 8.

 

tm-img-alt Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Trải qua hàng ngàn năm, con người luôn cho rằng có mối liên hện giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay. Cũng từ đó trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên. Trong ngày vui này, theo phong tục người Việt, tất cả các thành viên trong gia đình đều mong muốn quây quần bên nhau cùng làm cỗ cúng gia tiên.

Khi đêm xuống, mặt đất ngập tràn ánh trăng vàng, xóm làng cùng nhau tụ họp uống nước chè xanh, ăn bánh, ngắm trăng và bày hoa quả, bánh kẹo cho trẻ em vui chơi, rước đèn, múa Lân, trông trăng, phá cỗ...

Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.

Theo dân gian, Tết Trung thu ở Việt Nam gắn với chú Cuội và chị Hằng. Chuyện kể lại rằng, có một chú tiều phu tên Cuội. Trong một lần vào rừng đốn củi, chàng thấy hổ mẹ cứu hổ con bằng nắm lá thần. Cuội liền đốn cây thần về nhà để hành nghề Y cứu người và nổi danh khắp nơi, được nhiều người ca tụng.

tm-img-alt Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Một hôm Cuội đi vắng, cây đa quý bị bật gốc bay lên trời, chú Cuội bèn bám vào rễ cây níu kéo lại nhưng không được và đã bị bay lên cung trăng cùng với cây đa của mình. Từ đó, Cuội bay lên cung trăng làm bạn với cây thần và chị Hằng Nga. Vào Tết Trung thu, trăng sẽ sáng vành vạnh để cho chàng nhìn xuống nhân gian.

Nhìn lên Mặt Trăng, có thể thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, và trẻ em tin rằng, đó là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa.

Dưới góc nhìn khoa học, Tết Trung thu bắt nguồn từ văn hóa nông nghiệp, từ nền văn minh lúa nước của các nước châu Á. Vào những ngày rằm tháng 8 âm lịch, người dân vui chơi, nghỉ ngơi thưởng trăng sau vụ mùa bội thu. Dựa vào hình dáng của trăng ngày Trung thu mà có thể dự đoán được mùa màng. Nếu trăng sáng rõ, mùa màng năm đó sẽ bội thu, nếu trăng màu xanh thì cẩn thận có tai họa.

Ngày nay, Tết Trung thu không chỉ là Tết đoàn viên mà còn là Tết Thiếu nhi. Đối với trẻ nhỏ, Tết Trung thu còn là ngày để vui chơi với các hoạt động dành riêng cho trẻ nhỏ. Vào ngày này, trẻ con được nghỉ ngơi, vui đùa, rước đèn lồng, phá cỗ, xem mua lân, ăn bánh trung thu… Lúc sinh thời, Bác Hồ cũng rất coi trọng việc vui chơi của trẻ em vào ngày Trung Thu. Vào dịp này, bác viết thư chúc mừng Trung thu của nhi đồng toàn quốc.

Link nội dung: https://kinhte24h.net.vn/tim-hieu-y-nghia-tet-trung-thu-co-truyen-o-viet-nam-a436.html