Duy trì hoạt động bằng…núi nợ
Tính đến cuối tháng 6/2023, nợ ngắn hạn của Công ty CP Đầu tư Nam Long (Nam Long Group) là 8.660 tỷ đồng. Trong đó, khoản tiền thu trước của người mua chiếm đến 39%, tương ứng 3.351 tỷ đồng. Vay ngắn hạn và vay dài hạn đến hạn trả chiếm 16%, tương ứng 1.412 tỷ đồng. Và phải trả ngắn hạn khác là 1.528 tỷ đồng, tức chiếm 18%.
Đối với các khoản vay ngắn hạn, khoản vay từ Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chiếm đến 41%, tương ứng khoản tín dụng 456 tỷ đồng. Trong đó, khoản vay gần 300 tỷ đồng sẽ đáo hạn từ ngày 30/9/2023, khoản vay hơn 126 tỷ đồng đáo hạn từ 14/10/2023 và phần còn lại đáo hạn từ 15/9/2023. Lãi suất các khoản vay này dao động từ 8,8% đến 13%. Nam Long Group huy động nguồn tiền này để hỗ trợ nhu cầu vốn lưu động.
Song song, ngân hàng này còn ưu ái cấp cho Nam Long Group khoản tín dụng dài hạn lên đến 622 tỷ đồng với lãi suất 10,5%, đáo hạn từ 26/5/2024. Nguồn tiền này được sử dụng để đầu tư vào dự án Izumi. Như vậy, OCB cho doanh nghiệp này vay đến 1.078 tỷ đồng.
Không chỉ vay ngân hàng, Nam Long Group còn vay nợ đến 2.585 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Trong số này, 1.000 tỷ đồng nợ trái phiếu được thu xếp phát hành bởi Công ty CP Chứng khoán TP.HCM, lãi suất 9,35% – 12,94%/năm. Công ty CP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) thu xếp phát hành 950 tỷ đồng với lãi suất 15,78%/năm. Phần còn lại được thu xếp bởi Công ty TNHH Manulife (Việt Nam), Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA (Việt Nam) và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Generali (Việt Nam). Như vậy, tổng các khoản vay nợ của đơn vị này lên đến 13.832 tỷ đồng.
Thực tế buộc phải tìm kiếm các nguồn vay nợ để bổ sung vào dòng vốn lưu động, duy trì hoạt động của Nam Long Group đã kéo theo nhiều hệ lụy. Đặc biệt là những tác động tiêu cực và thúc đẩy sự suy yếu của dòng vốn. Bằng chứng là 1.277 tỷ đồng đã “bốc hơi” khỏi dòng tiền lưu chuyển trong hoạt động tài chính bởi gánh nặng nợ vay. Bên cạnh đó là 126 tỷ đồng “thoát” ra khỏi dòng tiền lưu chuyển trong hoạt động kinh doanh bởi phải trả lãi vay.
Những khó khăn trong việc duy trì sự thông suốt của dòng vốn lưu động của Nam Long Group còn đến từ thực trạng tồn kho lớn. Và đây là nguyên nhân chính khiến dòng tiền thuần lưu chuyển trong hoạt động kinh doanh âm đến 1.094 tỷ đồng. Quá bết bát so với con số dương 132 tỷ đồng khi kết thúc bán niên 2022. Tiếp đó, dòng tiền trong hoạt động đầu tư âm 136 tỷ đồng và trong hoạt động tài chính âm 224 tỷ đồng. Cuối kỳ, dòng tiền thuần âm đến 1.453 tỷ đồng. Nhìn nhận một cách tổng quan, số vốn bị “chôn” trong kho hàng tồn của Nam Long Group lên đến 16.269 tỷ đồng, chiếm đến 68% tổng tài sản ngắn hạn. Điều này đã và đang đe dọa đến tính thanh khoản của doanh nghiệp.
Và sự nâng đỡ thiếu minh bạch?
Một trong những ngân hàng “hào phóng” nhất đối với Nam Long Group chính là OCB, với khoản tín dùng lên đến 1.078 tỷ đồng. Trong khi đó, chất lượng tín dụng tại OCB đang là dấu hỏi lớn khi nợ xấu tăng mạnh đến 52% so với con số đầu năm và tỷ lệ nợ xấu đã cán mức 3%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng phi mã 95%, nợ nghi ngờ tăng 104%. Khoản cho vay có khả năng mất trắng lên đến 1.476 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý 2/2023, dự phòng rủi ro tín dụng được OCB trích lập là 1.928 tỷ đồng. Nhưng nếu so với con số nợ xấu lên đến 4.062 tỷ đồng thì tỷ lệ bao phủ chỉ đạt 47%. Một tỷ lệ rất thấp để đảm bảo tính an toàn cho những rủi ro tín dụng hiện thời của OCB. Chưa kể đến những rủi ro từ tính thanh khoản khi trong cơ cấu tín dụng của OCB có đến 57% là dư nợ cho vay dài hạn và 19% là dư nợ cho vay trung hạn.
Bên cạnh OCB, một “gương mặt” không hề mới lạ đối với những khoản tín dụng mang tính “ưu ái” đặc biệt là TCBS. Đơn vị này đã thu xếp cho Nam Long Group khoản vay nợ qua kênh trái phiếu đến 950 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, TCBS đã công bố nghị quyết thông qua gói đầu tư tối đa lên đến 7.300 tỷ đồng vào Công ty TNHH Capitaland Tower, một đơn vị mà “danh tiếng” gắn liền với dự án The Sun Tower hay còn được gọi là Landmark 60 Bason. đây là gói đầu tư kinh doanh trái phiếu kèm quyền góp vốn và lô trái phiếu này do Capitaland Tower phát hành với thời gian dự kiến là trong quý 3/2023.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã liên tục cấp tín dụng cho “người nhà”.
Cụ thể, Techcombank đã phê duyệt hạn mức tín dụng cho Công ty Cổ phần Eurowindow 800 tỷ đồng với thời hạn 12 tháng. Được biết, Chủ tịch Eurowindow là ông Nguyễn Cảnh Sơn hiện đang đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Techcombank.
Xa hơn một chút, Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tich HĐQT Techcombank cũng đã ký Nghị quyết phê duyệt cấp gói tín dụng 1.500 tỷ đồng cho Công ty CP One Mount Distribution (OMD). Đáng lưu ý là trước đó, tháng 5/2022 và tháng 11/2022, ông Hồ Hùng Anh cũng đã lần lượt ký 2 Nghị quyết cấp 2 gói tín dụng 1.000 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng cho OMD cho mục đích hoạt động tương tự.
Chủ tịch HĐQT của OMD hiện tại là ông Hồ Anh Ngọc, tức em trai ông Hồ Hùng Anh. Đồng thời, ông Hồ Anh Ngọc tham gia vào HĐQT Techcombank từ 4/2021 và hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank.
Tính đến cuối quý 2/2023, Techcombank có đến 1.505 tỷ đồng dư nợ có khả năng mất vốn, tăng đến 51% so với con số đầu năm. Tổng nợ xấu tăng đến 65%, tương ứng gia tăng thêm 1.980 tỷ đồng.
Link nội dung: https://kinhte24h.net.vn/nhin-thay-gi-tu-nhung-khoan-no-cua-nam-long-group-a342.html