|
|
Bà Phạm Thị Kim Dung - Tổng giám đốc Công ty Sen Vàng |
Tâm điểm mạng xã hội thời gian này chính là những lần “vạ miệng” liên tiếp của tân Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi. Cộng đồng mạng đồng loạt “đòi” tước vương miện của người đẹp 21 tuổi đến từ Bình Định. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng một vài sai lầm mà Hoa hậu mắc phải không chỉ đến từ bản thân cô mà còn do cả ê kíp.
Ê kíp đứng sau Huỳnh Trần Ý Nhi nói riêng và một số hoa hậu khác nói chung được cho là Công ty cổ phần Quảng cáo thương mại Sen Vàng (Công ty Sen Vàng). Sen Vàng gắn liền với tên tuổi “bà trùm hoa hậu” Phạm Thị Kim Dung – người được cộng đông mạng gọi với cái tên “Dì Dung”.
Công ty Sen Vàng thành lập ngày 3/8/2006 tại 6D Trường Sa, Phường 17, Quận Bình Thạnh, TP.HCM với ngành nghề kinh doanh là “Hoạt động sản xuất phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình”. Người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc công ty là bà Phạm Thị Kim Dung.
Dù ngành nghề chính không liên quan trực tiếp đến hoa hậu nhưng Sen Vàng nổi lên nhờ các chương trình hoa hậu. Sen Vàng là công ty tổ chức các cuộc thi sắc đẹp như Hoa hậu Quốc gia Việt Nam, Miss World Vietnam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam,…
Sau nhiều lần điều chỉnh, tới ngày 23/7/2018, Sen Vàng tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng. Đáng chú ý, Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cũng là cổ đông của công ty. Tại thời điểm này, cơ cấu cổ đông Sen Vàng bao gồm: bà Phạm Thị Kim Dung (sở hữu 89% vốn công ty, tương đương 133,5 tỷ đồng), ông Dương Đình Phan (sở hữu 2% vốn, tương đương 3 tỷ đồng), ông Hoàng Hữu Nhật Nam (sở hữu 2% vốn, tương đương 3 tỷ đồng), bà Nguyễn Thị Nam Phương (sở hữu 2% vốn, tương đương 3 tỷ đồng), bà Đỗ Mỹ Linh (sở hữu 5% vốn, tương đương 7,5 tỷ đồng).
Tuy nhiên, tới ngày 21/10/2019, vốn điều lệ công ty giảm mạnh từ 150 tỷ đồng xuống chỉ còn 50 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.
Năm 2022, Sen Vàng chứng kiến doanh thu và lợi nhuận tăng rất mạnh. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2022 của công ty đạt 673 tỷ đồng, tăng 269 tỷ đồng, tương đương 66,6% so với năm 2021.
Như vậy, chỉ trong 2 năm, doanh thu công ty đã vượt mốc ngàn tỷ đồng khi đạt 1.077 tỷ đồng.
Trong khi đó, Giá vốn hàng bán có tốc độ tăng nhẹ hơn, tăng từ 283 tỷ đồng lên 492 tỷ đồng nên Lợi nhuận gộp tăng trưởng khá tốt, tăng 61 tỷ đồng, tương đương 51,7% lên 179 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do Chi phí bán hàng khá cao, đạt 106 tỷ đồng, tăng đáng kể so với 72,6 tỷ đồng năm 2021 nên Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Sen Vàng khá thấp, chỉ đạt 27,2 tỷ đồng, tăng 11,3 tỷ đồng, tương đương 71,1%.
Như vậy, tỷ suất Lợi nhuận sau thuế/Doanh thu (ROS) của Sen Vàng khá thấp, chỉ đạt 4,04%. Thế nhưng, ROE (tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) khá cao, đạt 25,7%.
Còn nếu so với vốn góp cổ đông thì hiệu quả việc sử dụng vốn tại Sen Vàng rất cao khi 1 đồng vốn mang về tới hơn 0,5 đồng lợi nhuận.
Trong khi doanh thu và lợi nhuận của Sen Vàng có xu hướng tăng khá mạnh thì nợ thuế tại doanh nghiệp cũng tăng mạnh.
Tại ngày 31/12/2022, chỉ tiêu Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tại Sen Vàng lên đến 15,8 tỷ đồng, tăng 5,1 tỷ đồng, tương đương 47,7% so với cuối năm 2021. Như vậy, khi nợ thuế tại Sen Vàng đã tăng gấp rưỡi sau 1 năm.
Cùng với nợ thuế, Phải trả người lao động cũng tăng đáng kể, tăng từ 1,1 tỷ đồng lên 2,3 tỷ đồng.
Về lao động, Sen Vàng có một điểm đáng chú ý nữa chính là dù đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng nhưng quy mô lao động của công ty rất khiêm tốn. Tại ngày 22/4/2021, tổng số lao động của công ty được xác định trên công bố đăng ký doanh nghiệp chỉ là 5 người.
Nợ vay cũng là một trong những điểm nhấn của công ty. Hồi cuối năm 2022, công ty chứng kiến Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng mạnh từ 69,2 tỷ đồng lên 86,2 tỷ đồng; Vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng từ 0 đồng lên 5,5 tỷ đồng.
Không chỉ Sen Vàng vay vốn, bản thân bà Phạm Thị Kim Dung cũng từng cầm cố nhiều tài sản như bất động sản tại Phú Mỹ Hưng để vay vốn.
Link nội dung: https://kinhte24h.net.vn/trum-hoa-hau-sen-vang-co-von-cua-hoa-hau-do-my-linh-no-thue-tang-gap-ruoi-a324.html