Tổng hợp số liệu của các địa phương có báo cáo gửi Bộ Xây dựng cho thấy, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán trong quý 2/2023 có 51 dự án, với 6.205 căn. Số lượng dự án chỉ bằng khoảng 98% so với quý 1/2023 và bằng khoảng 63,75% so với quý 2/2022.
Cụ thể, khu vực miền Bắc có 14 dự án gồm 931 căn hộ và 1.143 căn nhà ở riêng lẻ; khu vực miền Trung có 16 dự án gồm 200 căn hộ; 2.092 căn nhà ở riêng lẻ; khu vực miền Nam có 21 dự án gồm 215 căn hộ; 1.624 căn nhà ở riêng lẻ.
Được biết, tỷ trọng số lượng loại bất động sản đủ điều kiện bán chủ yếu là đất nền và nhà ở riêng lẻ trong dự án.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 31/5/2023 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 925.796 tỷ đồng. Còn số dư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là 25.730 tỷ đồng.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế vĩ mô và bám sát chỉ đạo của Chính phủ để điều hành linh hoạt, duy trì thanh khoản tốt, sẵn sàng nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng cấp tín dụng. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, cơ cấu, tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%.
Tuy nhiên, tín dụng cho tiêu dùng bất động sản trong 5 tháng lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%. Như vậy, tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư bất động sản là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư nên tín dụng còn đang thấp.
Về việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, qua nắm bắt nhanh tình hình triển khai, các địa phương và các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang tập trung triển khai gói hỗ trợ này. Theo đó, hiện có khoảng 108 dự án đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai đầu tư xây dựng, thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ đồng).
Thực tế, đã có 15/63 Sở Xây dựng trên địa bàn cả nước đã rà soát hồ sơ, lập danh mục các dự án đủ điều kiện trình UBND cấp tỉnh xem xét công bố danh mục tổng số 40 dự án với tổng mức đầu tư là 43.707 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 18.010 tỷ đồng. Đã có 11 UBND tỉnh bố danh mục 24 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với tổng vốn đầu tư là 31.673 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 12.442 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, các dự án nếu được phê duyệt vay với nhu cầu nêu trên sẽ giải quyết 12.442/120.000 tỷ đồng, đạt phần 10,37% số vốn giải ngân trong gói 120.000 tỷ.
Song, lĩnh vực bất động sản vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức. Tại công bố trên, Bộ Xây dựng đã chỉ ra 3 nhóm khó khăn, vướng mắc chính của các doanh nghiệp bất động sản.
Thứ nhất, về pháp lý, hiện nay nhiều dự án bất động sản đang gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý dự án, cụ thể như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc; quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên…
Thứ hai, về tổ chức thực hiện, cơ chế phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản.
Thứ ba, về nguồn vốn, doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án (phải giãn tiến độ, dừng triển khai).
Theo đó, doanh nghiệp bất động sản đang phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023 rất lớn, nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Bên cạnh đó, niềm tin của nhà đầu tư, tính thanh khoản thị trường bất động sản thấp nên dẫn đến các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thiếu vốn, nhiều doanh nghiệp đang phải áp lực nợ ngắn hạn và tổng nợ lớn hơn so với quy mô tài sản.
Ngoài ra tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng biến động dẫn đến chi phí doanh nghiệp tăng cao, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Link nội dung: https://kinhte24h.net.vn/quy-22023-ca-nuoc-co-6205-can-ho-can-nha-du-dieu-kien-ban-a291.html