Đầu tư hoàn thiện hệ thống logistics

Logistics được xác định là ngành có vai trò rất quan trọng đối với Thành phố Hồ Chí Minh, tác động lâu dài đến tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hệ thống logistics chưa được đầu tư đồng bộ, là rào cản lớn cho Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói chung.

sg1-3749-1689921167.jpg
Vận chuyển hàng hóa tại cảng Cát Lái (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh ANH TUẤN)

Theo thống kê, vùng Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm 49,2% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Số lượng doanh nghiệp logistics của Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 11.000, tỉnh Bình Dương khoảng 1.650 doanh nghiệp, tỉnh Đồng Nai có hơn 1.220 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp logistics đang gặp nhiều khó khăn, phần lớn chỉ cung cấp dịch vụ cơ bản, tiềm lực tài chính yếu (90% là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa). Mức độ đầu tư công nghệ thông tin hiện đại còn kém chưa có nền tảng kết nối thông tin giữa doanh nghiệp và khách hàng. Điều này, dẫn đến các phí thu hàng hóa chưa thống nhất và còn cao, hạ tầng kho, kho lạnh chưa phát triển, hệ thống giao thông cầu đường chưa đồng bộ…

Các chuyên gia cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí địa lý thuận lợi trong giao thương, cũng như là đầu mối vận tải hàng hóa quan trọng trong khu vực ASEAN và quốc tế. Do đó, thành phố cần đầu tư kịp thời cho lĩnh vực logistics để có thể duy trì và phát huy được thế mạnh là cửa ngõ giao thương của cả khu vực phía nam, đóng góp lớn hơn cho kinh tế thành phố và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Thành phố đã phê duyệt đề án “Phát triển ngành logistics Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đề án, thành phố sẽ xây dựng các trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750 ha bao gồm: Cát Lái, Phú Hữu (thành phố Thủ Đức) với diện tích 292 ha; Long Bình (thành phố Thủ Đức), diện tích 54 ha; Linh Trung (thành phố Thủ Đức), diện tích 74 ha; Củ Chi (huyện Củ Chi), diện tích 15 ha; Tân Kiên (huyện Bình Chánh), diện tích 60 ha; Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), diện tích 100 ha; Tân Hiệp (huyện Hóc Môn), diện tích 150 ha… Ngoài ra, các dự án có chức năng tương tự như trung tâm logistics là kho lạnh ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở huyện Củ Chi… đang được doanh nghiệp triển khai xây dựng.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) Nguyễn Tuấn cho biết: Mục tiêu của đề án là phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030; tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%, qua đó, góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10-15%. Đặc biệt, địa bàn thành phố phải hình thành hệ thống trung tâm logistics để làm nơi trung chuyển, kết nối các luồng hàng lưu thông trong nước và xuất nhập khẩu.

Theo Trưởng ban Hội viên Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam Nguyễn Thanh Nhã (VALOMA), Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nguồn nhân lực Tân Cảng-STC, nguồn nhân lực của Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng với lực lượng lao động trẻ dồi dào, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khá cao so với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức như chính sách đãi ngộ, tiền lương chưa thỏa đáng, môi trường làm việc không thuận lợi cho lao động trí thức, hạn chế trong nghiên cứu, lao động chuyển dịch sang các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngành logistics, khai thác cảng cũng không nằm ngoài xu hướng chung, nhất là thiếu hụt nguồn cung nhân lực chất lượng cao và khó thu hút nhân sự.

Để phát triển nguồn nhân lực, cần hoàn thiện các quy chế, chính sách; bảo đảm phúc lợi cho người lao động; tạo tính cạnh tranh trong công việc và cải thiện môi trường làm việc. Các cơ quan chức năng cần xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng, nâng cao năng lực các dịch vụ logistics, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển đa dạng dịch vụ. Các cơ sở đào tạo cần xây dựng chiến lược nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh mô hình liên kết, tạo mối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo theo xu hướng mới trong ngành logistics gắn với thực hành.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tài, Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại cho rằng: Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng được hệ thống cảng biển, là cửa ngõ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu của cả vùng Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống logistics vẫn thiếu đầu tư vào công nghệ và hạ tầng, nhân lực chưa quen với công nghệ số và quy trình hành chính vẫn phức tạp.

Do đó, cần xây dựng hệ thống quản lý thông tin hàng hóa trực tuyến, áp dụng công nghệ IoT (internet vạn vật), sử dụng công nghệ Blockchain, cũng như đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Ngành logistics Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung xây dựng hệ thống thông tin liên kết và đồng nhất, áp dụng các công nghệ tiên tiến, tăng tốc chuyển đổi số logistics và cảng biển để thay đổi cách thức quản lý, vận hành trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đẩy mạnh chuyển đổi số là tiền đề để kết nối đồng bộ trong quản lý vận hành hoạt động của toàn bộ hệ thống logistics, qua đó, giảm thời gian thông quan hàng hóa, tăng tính cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và của cả khu vực phía nam.

Link nội dung: https://kinhte24h.net.vn/dau-tu-hoan-thien-he-thong-logistics-a202.html