6 tháng đầu năm nay, kinh tế Việt Nam chịu tác động xấu từ bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Nhiều nền kinh tế là đối tác thương mại lớn của Việt Nam có mức tăng trưởng chậm lại. Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương, cùng sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhằm thực hiện tốt các mục tiêu trong Nghị quyết XIII về phát triển kinh tế – xã hội được đề ra, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm vẫn đạt 3,72%, trong đó động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng kinh tế là khu vực dịch vụ; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng ổn định, thể hiện là trụ đỡ của nền kinh tế.
6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng nền kinh tế đạt 3,72%.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72% (quý II tăng 4,14%), chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 78,85%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản luôn đóng vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và là mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm nay, giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28% vào tổng mức tăng chung của toàn nền kinh tế.
Sản xuất trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 6 tháng đầu năm nay đạt kết quả khá tốt, năng suất lúa đông xuân đạt khá, sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước, chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan.
Trong mức tăng 3,07% của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,43% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế; ngành thủy sản tăng 2,77%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm.
Khu vực dịch vụ đang trên đà phục hồi mạnh mẽ và là nhân tố đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung của nền kinh tế, là cứu cánh cho sự phục hồi chậm của khu vực công nghiệp và xây dựng. Các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, thu hút khách du lịch quốc tế bằng các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch và các hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực này. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 tăng 6,33% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,18% và 4,53% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021, đóng góp 78,85% vào tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,49% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,88 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,18%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,13%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15,14%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm.
Đóng góp lớn vào mức tăng trưởng của khu vực dịch vụ phải kể đến hoạt động sôi động trở lại của các ngành thương mại, đặc biệt là các hoạt động trong lĩnh vực du lịch đang phục hồi mạnh mẽ và có sức lan tỏa lớn đến phục hồi của các lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Trong mức tăng chung 10,9% của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm nay, lĩnh vực lưu trú và ăn uống tăng 18,7%, đóng góp 1,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung (6 tháng đầu năm 2022 tăng 27%, đóng góp 2,4 điểm phần trăm); lĩnh vực du lịch lữ hành tăng 65,9% đóng góp 1,9 điểm phần trăm (cùng kỳ năm 2022 tăng tương ứng 98,3% và đóng góp 0,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung). Thể hiện rõ hơn cho tăng trưởng của 2 lĩnh vực này là sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch khi lượng khách du lịch nội địa trong 6 tháng đầu năm nay đạt 63,5 triệu lượt khách, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là sự phục hồi mạnh mẽ của lượng khách quốc tế đến Việt Nam với 5,6 triệu lượt khách, gấp 9,3 lần so với 6 tháng đầu năm 2022.
Sự phục hồi của ngành du lịch là động lực lớn trong mức tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của các địa phương có hoạt động du lịch, vui chơi giải trí như: Quảng Ninh tăng 15,1%; Khánh Hòa tăng 13,4%; Đà Nẵng tăng 13,4%; Ninh Bình tăng 19,2%; Thanh Hoá tăng 15,8%; Hà Tĩnh tăng 16,7%; Quảng Bình tăng 13,1%; Bình Định tăng 16,0%; Bình Thuận tăng 23,6%; Tuyên Quang tăng 17,8%; Yên Bái tăng 26,4%…
Ngoài ra, hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách an sinh xã hội và sự phục hồi của các doanh nghiệp tạo động lực cho tiêu dùng nội địa tăng cao ở một số tỉnh/thành phố lớn và các tỉnh tập trung các khu công nghiệp như: Hà Nội tăng 6,1%; Hải Phòng tăng 12,9%; Bình Dương tăng 8,1%; Đồng Nai tăng 13,7%.
Hoạt động vận tải trong 6 tháng đầu năm nay có tốc độ tăng tích cực khi vận tải hành khách ước đạt 2.178,8 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,2%) và luân chuyển đạt 118,4 tỷ lượt khách.km, tăng 32,4% (cùng kỳ năm trước tăng 19,5%). Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 2.171,9 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước và 98,2 tỷ lượt khách km luân chuyển, tăng 14,2%; vận tải ngoài nước ước đạt 6,9 triệu lượt khách vận chuyển, gấp 6,9 lần và 20,2 tỷ lượt khách.km luân chuyển, gấp 5,9 lần cùng kỳ năm trước.
Vận tải hàng hóa ước đạt 1.109 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,2%) và luân chuyển 232,5 tỷ tấn.km, tăng 14,8% (cùng kỳ năm trước tăng 17,5%). Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 1.087,1 triệu tấn vận chuyển, tăng 16,2% và 147,1 tỷ tấn.km luân chuyển, tăng 25%; vận tải ngoài nước ước đạt 21,9 triệu tấn vận chuyển, tăng 2,6% và 85,4 tỷ tấn.km luân chuyển, tăng 0,7%.
Trong lĩnh vực du lịch, thực hiện hiệu quả các chính sách thu hút khách quốc tế và kích cầu du lịch nội địa, 6 tháng đầu năm nay đã thu hút gần 5,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, gấp 9,3 lần cùng kỳ năm trước, kết quả này đã có sức lan tỏa đến tốc độ tăng của các ngành dịch vụ khác; lượng khách du lịch nội địa đạt 63,5 triệu lượt khách, tăng 4,4%.
Nhìn chung, 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng của nền kinh tế đạt 3,72%, đây là mức tăng không cao nhưng các cân đối lớn được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp trong bối cảnh đối diện với nhiều khó khăn thách thức ở cả trong và ngoài nước. Đó là nhờ sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước để nền kinh tế duy trì tăng trưởng, tạo đà để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2023.
Link nội dung: https://kinhte24h.net.vn/dong-luc-tang-truong-kinh-te-6-thang-dau-nam-2023-a175.html