Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
Hiện nay, mặc dù tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, song theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng DBS - tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia hàng đầu của Singapore, Việt Nam đang thể hiện tốt hơn hầu hết quốc gia trên thế giới, được xem là điểm đến hấp dẫn của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký mới tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, DBS đánh giá dù đứng trước nhiều thách thức, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của FDI nhờ xu hướng chuyển dịch sản xuất, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), triển vọng tăng trưởng trung hạn tươi sáng ở mức 6-7% và hệ sinh thái thương mại điện tử đang phát triển.
Đặc biệt, dòng vốn FDI mới đổ vào lĩnh vực sản xuất tăng mạnh trong năm 2023 phản ánh niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào tiềm năng dài hạn của Việt Nam vẫn không hề suy giảm. Trên cơ sở này, DBS tin rằng trong nửa cuối năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng nhẹ khi chu kỳ ngành điện tử toàn cầu phục hồi. Các dịch vụ trong nước và ngành du lịch của Việt Nam có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt và bổ trợ cho nền kinh tế.
Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất. Ảnh minh họa.
Ông Marco Förster, Trưởng Bộ phận tư vấn ASEAN tại hãng tư vấn Dezan Shira & Associates cho rằng, các nền kinh tế luôn theo chu kỳ, giai đoạn tăng trưởng chậm là không thể tránh khỏi. Trước những khó khăn hiện nay, Việt Nam được dự đoán sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong trung hạn nhờ vị thế mới nổi là trung tâm sản xuất hàng đầu ở Đông Nam Á, dân số có trình độ học vấn cao và vốn đầu tư tăng.
Đồng quan điểm, cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings tin rằng lực lượng lao động trẻ, ngày càng có trình độ học vấn cao và có tính cạnh tranh cao là sức hút chính đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong 24 tháng tới khi nhu cầu toàn cầu tăng lên và Việt Nam dần giải quyết những thách thức trong nước.
Báo cáo chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) công bố mới đây vào ngày 10/7/2023 cũng cho biết, bất chấp nhiều thách thức, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút nhà đầu tư nước ngoài với 48% số người tham gia khảo sát kỳ vọng nguồn vốn FDI của công ty họ vào Việt Nam sẽ tăng trong quý tới. Việt Nam vẫn củng cố vị trí một trong 5 điểm đến đầu tư hàng đầu của hơn 1/3 doanh nghiệp, cho thấy sức hấp dẫn lâu dài của đất nước.
Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit đánh giá, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào sản xuất và xuất khẩu nên đang phải chịu tác động lớn bởi tình hình khó khăn toàn cầu. Sự sụt giảm về xuất khẩu và các đơn hàng đã tác động lớn đến các doanh nghiệp châu Âu và cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Vấn đề thời gian rất quan trọng, vì vậy chúng ta phải hành động nhanh chóng và quyết liệt để Việt Nam không chỉ thu hút đầu tư nước ngoài mà còn đảm bảo một nền kinh tế vững mạnh và có khả năng vượt qua trở ngại trong tương lai.
Nâng cao hiệu quả vốn FDI
Về giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 24/5/2023, trong đó nhấn mạnh, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng, quy mô vốn và chất lượng dự án; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các nhà đầu tư, doanh nghiệp bên lề Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài ngày 22/4/2023. Ảnh: TTXVN.
Ngay tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài với kết nối trực tuyến tới điểm cầu 63 địa phương và khoảng 80 điểm cầu tại nước ngoài diễn ra vào cuối tháng 4, với vai trò chủ trì, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu xác định rõ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, thời cơ, thuận lợi, trên cơ sở đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh thế giới, khu vực và Việt Nam đang có những khó khăn, thách thức.
"Khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết", "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong đó, những khó khăn, vướng mắc giải quyết được ngay thì các bộ, ngành, địa phương có câu trả lời rõ ràng, dứt khoát, những vấn đề chưa giải quyết được ngay thì phải khẩn trương nghiên cứu, chủ động giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", cân đối hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.
Link nội dung: https://kinhte24h.net.vn/nha-dau-tu-nuoc-ngoai-dat-niem-tin-vao-tiem-nang-dai-han-cua-viet-nam-a174.html