Thanh tra Chính phủ đã kết luận về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2013 - 2017.
Theo kết luận của Thanh tra về điều kiện tài sản bảo đảm (TSBĐ) của một số khoản nợ xấu tại thời điểm bán cho VAMC nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) bán khoản nợ có TSBĐ chưa đáp ứng điều kiện mua nợ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 16 Thông tư 19/2013/TT-NHNN, ảnh hưởng đến giá trị khấu trừ của TSBĐ khi trích lập dự phòng rủi ro (DPRR).
Cụ thể, đối với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), TSBĐ của 3 khoản nợ xấu chưa đáp ứng điều kiện mua nợ gồm: Cty TNHH Vạn Lợi có TSBĐ là quặng mỏ sắt tại Hà Tĩnh, Bắc Kạn trị giá hàng trăm tỷ đồng nhưng thời điểm bán nợ cho VAMC, giấy phép khai thác các mỏ quặng trên đã hết hiệu lực; CTCP luyện cán thép Sóc Sơn có TSBĐ là QSDĐ và tài sản trên đất tại KĐT mới Dịch Vọng trị giá 40 tỷ đồng tuy nhiên chưa được cấp GCNQSDĐ, hợp đồng thế chấp không được công chứng, không đăng ký giao dịch đảm bảo; CTCP xây dựng 565 có TSBĐ là giá trị khoản phải thu 3,34 tỷ đồng nhưng không có biên bản xác nhận mua bán nợ tại thời điểm bán nợ cho VAMC.
TSBĐ của 4 khoản nợ xấu có giá trị hơn 200 tỷ đồng cho VAMC nhưng chưa được định giá bởi tổ chức thẩm định giá độc lập gồm: CTCP Thép Lam Giang, CTCP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki và Cty TNHH MTV Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên, Cty CP Thuận Thảo đều có TSBĐ của khoản nợ có giá trị hơn 200 tỷ đồng chưa được thẩm định giá lại bởi tổ chức thẩm định giá độc lập.
Ngoài ra, Cty CP đầu tư y tế Việt Nam có TSBĐ cho khoản vay là tài sản hình thành trong tương lai gồm 653 căn hộ chung cư dự án 584 Tân Kiên, Bình Chánh, Tp.HCM đến thời điểm bán cho VAMC chưa được định giá lại.
Cuối cùng, TSBĐ của 2 khoản nợ xấu chưa được kiểm tra, xác định lại giá trị tại thời điểm bán nợ cho VAMC gồm: Cty TNHH Trí Tín, TSBĐ là máy móc thiết bị chế biến gỗ, phương tiện vận tải... chưa được xác định kiểm tra lại giá trị tại thời điểm bán nợ; Cty CP Inox Hòa Bình có TSBĐ dưới 200 tỷ nhưng chưa được định giá lại.
BIDV dự kiến trích dự phòng nợ xấu 21.000 tỷ đồng trong năm 2023
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, trả lời câu hỏi của cổ đông về dự kiến trích lập dự phòng năm 2023, Chủ tịch HĐQT Phan Đức Tú, cho biết kế hoạch của BIDV là giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 1,4% (năm ngoái nợ xấu ở mức 0,96%) và trích dự phòng dự kiến khoảng 20.000-21.000 tỷ đồng. Mức trích lập thấp hơn năm ngoái vì NH đã trích và xử lý tương đối cho các khoản nợ tồn đọng trong năm 2022.
Năm nay, BIDV dự kiến tăng vốn điều lệ từ 50.585 tỷ đồng lên hơn 61.557 tỷ đồng thông qua 2 phương án.
Phương án 1 là phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021. Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành gần 642 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 12,69% với mệnh giá 10.000 đồng. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận còn lại năm 2021 sau trích lập các quỹ hơn 6.419 tỷ đồng.
Phương án 2, ngân hàng tiếp tục thực hiện phương án đã được ĐHCĐ thường niên 2022 phê duyệt ngày 29/4/2022, sẽ phát hành thêm hơn 455 triệu cổ phiếu thông qua hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm 2023 dự kiến tăng trưởng 10-15% so với mức 23.009 tỷ đồng trong năm 2022, tương đương khoảng 25.000-26.000 tỷ đồng.
Link nội dung: https://kinhte24h.net.vn/thanh-tra-chi-ra-hang-loat-khuyet-diem-khi-bidv-ban-no-xau-cho-vamc-a166.html