Lãi suất hạ nhiệt nhưng thị trường bất động sản vẫn trầm lắng

Bộ Xây dựng đánh giá, nửa đầu năm thị trường bất động sản tiếp tục trạng thái trầm lắng. Mặc dù các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng hoạt động của thị trường vẫn chưa sôi động trở lại.

Cần thêm thời gian để giải quyết các vướng mắc

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm của Bộ Xây dựng cho biết, Tổ công tác của Thủ tướng đã nhận được 108 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 168 dự án bất động sản (BĐS). Trong đó, có 2 văn bản của tỉnh Đồng Nai, 1 văn bản của tỉnh Sóc Trăng; 59 văn bản của doanh nghiệp; 8 văn bản của người dân và 1 văn bản của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA). Đồng thời, Tổ đã nghiên cứu, rà soát, xử lý theo thẩm quyền hoặc gửi đến cơ quan có thẩm quyền xử lý 108 văn bản.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cũng đã giải thích và làm rõ liên quan đến các khó khăn của thị trường BĐS.

Trên cơ sở các báo cáo gửi về Tổ công tác tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và Đồng Nai và trong thời gian vừa qua, có 3 nhóm khó khăn vướng mắc gồm: Nhóm khó khăn vướng mắc về thể chế, nhóm khó khăn vướng mắc về tổ chức, thực hiện và nhóm khó khăn vướng mắc về vốn, thị trường trái phiếu, tín dụng. "Tổ công tác đã có nhiều khuyến nghị lên Chính phủ, Thủ tướng và Thủ tướng vừa qua ban hành rất nhiều văn bản, trong đó có Nghị quyết 33 về giải quyết những khó khăn vướng mắc thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững và một loạt công điện", Thứ trưởng nói.

Empty

Thị trường BĐS kỳ vọng bắt đầu chu kỳ phục hồi từ nửa đầu năm 2024. Ảnh: TL

Đối với các dự án lớn, phức tạp, Thứ trưởng cho biết, Tổ đã làm việc trực tiếp để trao đổi. Đơn cử như ở Đồng Nai, Tổ đã rà soát 7 dự án BĐS lớn, có của Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh. Trong đó, xác định các vấn đề khó khăn vướng mắc như vấn đề không thuộc quy hoạch hay vấn đề không bố trí 20% nhà ở xã hội. Những nội dung này, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Thủ tướng và Thủ tướng cũng thống nhất với các phương án tham mưu, sẽ triển khai trong thời gian tới.

Ở TP.HCM, Tổ đã làm việc và giải quyết khoảng 30 kiến nghị, trong đó có 10 kiến nghị về nhà ở xã hội, 10 kiến nghị về cải tạo chung cư và 4 nội dung về quy hoạch. Về cơ bản, một số kiến nghị thuộc về những lĩnh vực mà địa phương hiểu và chưa áp dụng pháp luật một cách đầy đủ.

Một dự án nữa cũng liên quan tới Novaland tại Bình Thuận, Tổ đã tham mưu cho Thủ tướng và phối hợp với Bộ TN&MT giải quyết những vấn đề giá đất, tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

"Thời gian vừa qua, các địa phương đều rất tích cực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án BĐS. Tuy nhiên thời gian chưa nhiều và những vấn đề tồn tại vướng mắc có quá trình khá dài nên cần có thêm thời gian để tập trung giải quyết", Thứ trưởng đánh giá.

Thị trường vẫn trầm lắng

Liên quan đến thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đánh giá, nửa đầu năm thị trường BĐS tiếp tục trạng thái trầm lắng. Mặc dù một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng hoạt động tại thị trường BĐS vẫn chưa sôi động trở lại.

Bên cạnh đó, thị trường vẫn đang đối diện tình trạng thiếu trầm trọng nguồn cung ở tất cả phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án BĐS, cắt giảm lao động… ảnh hưởng đến an sinh, trật tự xã hội.

Cụ thể, nguồn cung tiếp tục hạn chế tại tất cả các phân khúc. Trong đó, nhà ở thương mại hoàn thành 25 dự án với khoảng 10.000 căn, đạt khoảng 50% so với 6 tháng cuối 2022; nhà ở xã hội hoàn thành xây dựng 4 dự án với quy mô 934 căn hộ; dự án du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành 8 dự án với 3.385 căn, bằng 133,33% so với quý IV/2022 gồm 2.458 căn hộ du lịch, 680 căn biệt thự du lịch và 247 căn văn phòng kết hợp lưu trú.

Giá giao dịch tiếp tục có xu hướng giảm so với 6 tháng cuối năm ngoái, trong đó thời điểm giá giảm nhiều là quý I/2023. Giá chung cư tại các địa phương giảm từ 2-6% so với kỳ trước, nhà ở riêng lẻ giảm từ 6-10% so với kỳ trước, đất nền tại các dự án giảm khoảng từ 8-11%;

Nửa đầu năm, có khoảng 187.000 giao dịch thành công, đạt 36,13% so với 6 tháng cuối năm 2022. Lượng giao dịch giảm chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền. Lượng giao dịch đối với nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ giảm, chỉ bằng 40,69% so với 6 tháng cuối năm 2022.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS) nhận định, hàng loạt động thái của Chính phủ vừa qua đã tháo gỡ 3 vấn đề lớn nhất của thị trường BĐS là vốn, trái phiếu doanh nghiệp và điểm nghẽn pháp lý. Trong đó, điểm nghẽn về tín dụng và trái phiếu đã có những văn bản có giá trị, dù tác động của những văn bản này mang lại chưa nhiều, nhưng mang lại hiệu quả nhất định.

Còn về pháp lý, các Bộ, ngành cũng đang rất khẩn trương vào cuộc. Đến cuối năm sẽ có nhiều các văn bản có tính quyết định đến việc tháo gỡ những điểm nghẽn về pháp lý. Qua đó, tạo động lực cho các chính quyền địa phương có cơ sở, điều kiện để phê duyệt các dự án, thị trường BĐS có thể sẽ đón nhận các nguồn vốn mới.

"Phần lớn những điểm nghẽn, khó khăn của thị trường BĐS từ quý II trở đi sẽ được tháo gỡ. Một phần dự án đang vướng pháp lý sẽ được giải quyết. Hy vọng, thị trường BĐS sẽ đón nhận những tín hiệu tích cực hơn vào cuối năm 2023", ông Đính nhận định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, thị trường BĐS năm nay vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, song dòng vốn đầu tư BĐS sẽ được cải thiện trong giai đoạn 2024-2026. Lúc này, thị trường sẽ có sự tham gia của nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài. Đây cũng là thời điểm thị trường được kỳ vọng tăng trưởng, chu kỳ phục hồi có thể diễn ra trong nửa đầu năm 2024.

Link nội dung: https://kinhte24h.net.vn/lai-suat-ha-nhiet-nhung-thi-truong-bat-dong-san-van-tram-lang-a146.html