Áp lực vốn của Vndirect tại trái phiếu Trung Nam: Trung Nam Đắc Lắk 1 kinh doanh thua lỗ

Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Vndirect đã thừa nhận áp lực khi dành lượng vốn lớn vào trái phiếu Trung Nam. Áp lực càng rõ nét hơn khi Trung Nam Đắc Lắk 1, đơn vị phát hành trái phiếu nhiều nhất trong hệ sinh thái Trung Nam kinh doanh thua lỗ và có khả năng trả nợ yếu trong ngắn hạn.

trung-nam-group-620230327075245-20230627114216-1688707931.jpg
Ảnh minh họa

Áp lực vốn tại Vndirect

Trung Nam Group là một trong những hệ sinh thái có giá trị trái phiếu phát hành lớn nhất. Tại thời điểm cuối năm 2022, Trung Nam có dư nợ trái phiếu hơn 28.000 tỷ đồng, số tiền lãi phải trả là gần 2.000 tỷ đồng.

Theo thống kê trên sàn HNX, có 6 công ty thuộc hệ sinh thái Trung Nam phát hành trái phiếu, gồm: Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Tập đoàn Trung Nam), Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 (Công ty Trung Nam Đắk Lắk 1), Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, Công ty cổ phần Điện Mặt Trời Trung Nam Trà Vinh, Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam, Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Trung Nam.

Về phát hành trái phiếu, Công ty Trung Nam Đắk Lắk 1 nổi bật nhất với giá trị phát hành lên đến 10.000 tỷ đồng. Tại báo cáo thanh toán tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2022, Công ty Trung Nam Đắk Lắk 1 có giá trị trái phiếu đang lưu hành là gần 9.900 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm 2023, rất nhiều thương hiệu mang tên Trung Nam như Tập đoàn Trung Nam, Trung Nam Đắk Lắk 1, Điện mặt trời Trung Nam, Trung Nam Thuận Nam,… đồng loạt “khất nợ” trái phiếu.

Động thái khất nợ của Trung Nam khiến trái chủ và các bên liên quan (trong đó có Công ty cổ phần chứng khoán Vndirect) đối diện với nhiều khó khăn. Vndirect đóng nhiều vai trò trong các đợt phát hành giá trị khủng của hệ sinh thái này.

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra vào trong ngày 17/6/2023, ban lãnh đạo của Vndirect đã nhận được hàng loạt câu hỏi liên quan đến trái phiếu của Trung Nam.

Trả lời chất vấn của cổ đông, bà Phạm Minh Hương - Tổng Giám đốc Vndirect - thừa nhận, cổ phiếu VND gần như gắn liền với câu chuyện của Trung Nam và mức độ rủi ro đang lớn hơn các doanh nghiệp phát hành khác. Áp lực là có khi Vndirect đang mất lượng lớn vốn vào Trung Nam.

“Trong quá trình bán, việc tư vấn trái phiếu chưa đúng bản chất nên chúng tôi buộc phải mua lại bảo vệ nhà đầu tư cũng như thị trường để tránh khỏi rủi ro. Do đó, rủi ro của Vndirect với Trung Nam tăng lên đáng kể", bà Hương thừa nhận.

Trung Nam Đắc Lắk 1 có khả năng trả nợ yếu trong ngắn hạn

Có thể thấy, Vndirect đang đối mặt với rất nhiều rủi ro khi lún sâu vào quá trình phát hành trái phiếu của hệ sinh thái Trung Nam. Trong đó, Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 có giá trị phát hành lớn nhất nên “sức khỏe” của công ty này là vấn đề đáng được quan tâm.

Năm 2022, hoạt động kinh doanh của Trung Nam Đắk Lắk 1 kém sắc khi doanh thu tăng mạnh từ 94,3 tỷ đồng lên 1.016 tỷ đồng nhưng lại lỗ 859 tỷ đồng.

Nguyên nhân gây ra thua lỗ chính là chi phí tài chính quá cao. Chi phí tài chính năm 2022 của Trung Nam Đắk Lắk 1 lên đến 1.041 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 46,6 tỷ đồng của năm 2021. Trong đó, chi phí lãi vay đạt 971 tỷ đồng.

Khối nợ khổng lồ không chỉ khiến Trung Nam Đắk Lắk 1 thua lỗ mà còn đẩy công ty vào tình trạng khả năng trả nợ yếu trong ngắn hạn.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, nợ phải trả của Trung Nam Đắk Lắk 1 lên đến 12.110 tỷ đồng, tăng 1.586 tỷ đồng, tương đương 15,1% so với năm 2021. Khối nợ này cao gấp 4,1 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 80,5% tổng nguồn vốn công ty.

Đáng chú ý, dù nợ tập trung chủ yếu ở nợ dài hạn (chủ yếu là trái phiếu) nhưng nợ ngắn hạn của Trung Nam Đắk Lắk 1 vẫn cao trượt trội so với tài sản ngắn hạn.

Hồi cuối năm 2022, nợ ngắn hạn của công ty là 1.590 tỷ đồng, chiếm 13,1% tổng nợ phải trả nhưng vẫn cao gấp 1,4 lần tài sản ngắn hạn. Hay nói cách khác, tỷ lệ tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn (Hệ số khả năng thanh toán hiện thời) tại Trung Nam Đắk Lắk 1 là 0,71.

Theo lý thuyết kế toán, Hệ số khả năng thanh toán hiện thời < 1 thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.

Link nội dung: https://kinhte24h.net.vn/ap-luc-von-cua-vndirect-tai-trai-phieu-trung-nam-trung-nam-dac-lak-1-kinh-doanh-thua-lo-a139.html