Trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản tại TP.HCM, tín dụng cho vay với mục đích để sử dụng, tiêu dùng (mua nhà để ở, mua thuê mua, chuyển quyền sử dụng đất và xây nhà để ở, vay để sửa chữa nhà ở….) luôn chiếm tỷ trọng cao trên 70% và là sản phẩm cho vay chính. Đây cũng là hoạt động tín dụng bất động sản có tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian qua và gắn liền với diễn biến của thị trường bất động sản. Đến cuối tháng 10, tổng dư nợ cho vay mua, sửa chữa; chuyển nhượng quyền sử dụng đất và xây dựng nhà để ở đạt 784.000 tỉ đồng, chiếm 74,8% trong tổng dư nợ bất động sản trên địa bàn. Ở góc độ vĩ mô, hoạt động tín dụng tiêu dùng không chỉ góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển mà còn tạo điều kiện cho người dân, tạo lập nhà ở đáp ứng nhu cầu nhà ở, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Tín dụng bất động sản trên địa bàn chủ yếu là trung dài hạn (chiếm khoảng 96%) và tăng trưởng phù hợp theo diễn biến thị trường và cơ cấu sản phẩm của thị trường. Theo đó, trong những năm gần đây, tín dụng bất động sản cho phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ như hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN); cho vay phát triển cao ốc văn phòng; cho vay phát triển bất động sản lĩnh vực du lịch dịch vụ có xu hướng tăng trưởng tốt trong 2 năm qua. Trong đó, dư nợ cho vay KCX-KCN (đến cuối tháng 10) đạt 52.000 tỉ đồng, chiếm 5% tổng dư nợ tín dụng bất động sản và tăng 28,7% so với cuối năm 2023; cho vay cao ốc văn phòng đạt gần 25.000 tỉ đồng, chiếm 2,4% trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản và tăng 18,5% so với cuối năm; cho vay nhà hàng, khách sạn, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đạt trên 26.000 tỉ dồng, chiếm 2,48% trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản và tăng 30% so với cuối năm 2023.
Mặc dù tỷ trọng thấp, song sự tăng trưởng của hoạt động tín dụng bất động sản phục vụ sản xuất kinh doanh thương mại du lịch và dịch vụ phản ánh những chuyển biến tích cực từ các hoạt động kinh tế này. Đồng thời, cũng là cơ sở nền tảng để thu hút đầu tư kinh doanh đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước, khi hạ tầng các khu công nghiệp, khu chế xuất phát triển và các hoạt động du lịch, dịch vụ phát triển.
Trong 10 năm qua dư nợ cho vay bất động sản vẫn tăng trưởng đều dù vốn tín dụng luôn được định hướng để tập trung và đáp ứng nhu cầu cho phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ với các chính sách tín dụng ưu đãi cho các nhóm ngành là động lực tăng trưởng kinh tế như lĩnh vực xuất khẩu; nông nghiệp & nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Link nội dung: https://kinhte24h.net.vn/hon-1-trieu-ti-dong-tin-dung-tai-tphcm-la-vao-bat-dong-san-a1079.html