Sau Kiểm toán Nhà nước, đến lượt Bộ Tài chính thanh tra Hancorp
Thanh tra Bộ Tài chính vừa ra quyết định thanh tra tài chính tại Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – Công ty Cổ phần (Hancorp), thời kỳ thanh tra năm 2023.
Theo Quyết định thanh tra số 310, cuộc thanh tra tài chính tại Hancorp sẽ thực hiện thanh tra với công ty mẹ, các đơn vị hạch toán phụ thuộc và 3 đơn vị thành viên: Công ty Cổ phần Dịch vụ Đô thị Hancorp, Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Hà Nội, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Hancorp 1.
Nội dung thanh tra tập trung vào việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản doanh nghiệp, việc hạch toán doanh thu, chi phí và báo cáo kết quả kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài chính khác đối với doanh nghiệp.
Thời kỳ thanh tra trong năm 2023, thời hạn thanh tra 45 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.
Khi Thanh tra Bộ Tài chính chưa vào cuộc, dễ dàng nhận thấy hiệu quả sử dụng vốn tại Hancorp rất thấp và có xu hướng thụt lùi. Lợi nhuận sau thuế của ông lớn ngành xây dựng thủ đô giảm 60% sau 9 năm.
Trước đó, năm 2020, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra loạt tồn tại đất đai, quản lý tài chính, chi phí đầu tư dự án thời gian qua tại Hancorp, và yêu cầu phải nộp bổ sung vào ngân sách hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước cho biết, dù được Nhà nước giao quản lý, sử dụng quỹ đất hàng trăm hecta đất nhưng Tổng Công ty này đang nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng chục năm.
Được giao đất thực hiện dự án khu biệt thự thuộc Khu Ngoại giao đoàn, quận Tây Hồ, TP Hà Nội từ năm 2008, nhưng đến năm 2020, Hancorp vẫn chưa nộp tiền thuê đất các lô CC2, CC3, CC4, CC5, CC5A, từ lô QT1 đến QT6, lô P1, P2.
Một số sai phạm tại nhiều dự án khác cũng được Kiểm toán Nhà nước “điểm danh” như Khu đô thị mới Quế Võ, Bắc Ninh, tổ hợp nhà ở đa năng Làng quốc tế Thăng Long, dự án nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại 2.6 Lê Văn Lương, 3 dự án xây dựng nhà ở cao tầng N01-T8, khu nhà ở công vụ và thương mại N04.A, khu biệt thự thuộc Khu goại giao đoàn.
Lợi nhuận sau thuế giảm 60% sau 9 năm, hiệu quả sử dụng vốn đi lùi
Hancorp là một trong những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực thi công xây lắp và nhà đầu tư về hạ tầng và khu đô thị mới – nhà ở.
Về xây dựng, Hancorp gắn liền với những dự án tầm cỡ như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hội trường Ba Đình, Nhà hát lớn TP Hà Nội, Khách sạn quốc tế Hồ Tây, Tháp Hà Nội, Khách sạn Daewoo, Trung tâm hội nghị Quốc gia, Trung tâm báo chí quốc tế, Văn phòng Trung ương Đảng,…
Ngoài hoạt động sản xuất xây lắp, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội còn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, như đã nêu trên, rất nhiều dự án của Hancorp đã bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai phạm trong năm 2020.
Có vốn Nhà nước nhưng hiệu quả sử dụng vốn của Hancorp đi lùi trong nhiều năm qua khi lợi nhuận của công ty giảm 60% sau 9 năm.
Cụ thể, trong năm 2023, Hancorp ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 2.967 tỷ đồng, giảm 879 tỷ đồng, tương đương 22,9% so với năm 2015. Kết quả là lợi nhuận sau thuế giảm 65,4 tỷ đồng, tương đương 58,2% sau 9 năm hoạt động.
Cùng với sự suy giảm của lợi nhuận là sự thụt lùi của hiệu quả sử dụng vốn.
Trong năm 2023, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của Hancorp đạt 2,9%, giảm mạnh so với con số 5,9% của năm 2015. Trong 3 năm gần đây, ROE tại Hancorp thậm chí còn thấp hơn rất nhiều khi chỉ đạt 2,1% (năm 2019), 1,4% (năm 2020) và 2,2% (năm 2021). Chỉ có năm 2022, ROE đạt 4,1%.
Sau loạt chỉ tiêu kinh doanh kém cỏi, Hancorp ghi nhận tổng tài sản giảm sâu. Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản ông lớn xây dựng Hà Nội chỉ là 6.771 tỷ đồng, giảm 1.714 tỷ đồng, tương đương 20,2% so với cuối năm 2022.
Link nội dung: https://kinhte24h.net.vn/hancorp-truoc-khi-bi-thanh-tra-loi-nhuan-giam-60-sau-9-nam-a1016.html